Hỏi đáp chính sách BHXH:
Thủ tục chốt sổ và hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Minh Duy) |
Tôi chuẩn bị nghỉ việc, muốn được chốt sổ bảo hiểm xã hội và làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Xin hỏi, các thủ tục này cần được thực hiện ra sao? Bao gồm những giấy tờ gì?
Nguyễn Văn Hùng (Hải Dương)
Trả lời:
Theo quy định tại Ðiểm 1.2 Khoản 1 Ðiều 33c Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Khi người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận sổ bảo hiểm xã hội.
Theo Ðiều 23 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH, khi cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận được danh sách báo giảm của đơn vị gửi đến thì sẽ thực hiện xác nhận sổ bảo hiểm xã hội theo danh sách và gửi đến người lao động qua dịch vụ bưu chính công ích.
Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Ðơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định);
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Ðiểm c Khoản 1 Ðiều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ ba tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
- Sổ bảo hiểm xã hội
- 2 ảnh 3 x 4
- Chứng minh nhân dân (hoặc Căn cước công dân), sổ hộ khẩu/sổ tạm trú photocopi nếu nộp hồ sơ hưởng tại nơi cư trú và kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình
Do con tôi (là sinh viên) ở cùng gia đình, nên tôi muốn con tôi tham gia bảo hiểm y tế cùng gia đình để tính giảm trừ mức đóng cho các thành viên trong gia đình khi tham gia bảo hiểm y tế thì có được không? Nếu con tôi đã trót đóng bảo hiểm y tế cùng gia đình mà nay phải tiếp tục tham gia ở trường thì kinh phí đóng sẽ được xử lý như thế nào?
Nguyễn Hải Hà (Thái Nguyên)
Trả lời:
Tại Khoản 2 Ðiều 13 Luật Bảo hiểm y tế quy định: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Ðiều 12 của Luật Bảo hiểm y tế. Tại Ðiều 12 Luật Bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (quy định tại khoản 4); Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình quy định tại Khoản 5.
Do đối tượng học sinh đứng trước đối tượng hộ gia đình nên phải tham gia theo nhóm đối tượng học sinh, không được tham gia theo nhóm hộ gia đình.
Khi thẻ bảo hiểm y tế theo đối tượng học sinh được cấp thì người tham gia sẽ liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đóng tiền mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình để được hướng dẫn thủ tục hoàn trả tiền đóng.