Na Hang phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật: Thứ hai 24/10/2022 - 14:52
 Ruộng bậc thang Mùa vàng Hồng Thái tạo sức hút đặc biệt với du khách.
Ruộng bậc thang Mùa vàng Hồng Thái tạo sức hút đặc biệt với du khách.

Những ngày đầu tháng 10, du khách đến với Lễ hội “Mùa vàng Hồng Thái năm 2022” được tham gia vào những hoạt động trình diễn nhảy lửa, trải nghiệm thêu, vẽ sáp ong trên trang phục người Dao Tiền hay cùng dồng bào thi thu hoạch lúa trên những thửa ruộng bậc thang bậc thang vàng óng ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, Na Hang, Tuyên Quang.

Trong năm qua nhờ biết tận dụng tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc. Xã Hồng Thái (xã vùng cao của huyện Na Hang) đã đón trên 20.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nhờ đó mà đời sống của bà con nơi đây ngày càng phát triển.

Những cánh đồng bậc thang xã vùng cao Hồng Thái được đánh giá là một trong những danh thắng bậc thang vào loại đẹp nhất huyện, được đánh giá là một “công trình lao động sáng tạo vĩ đại” của người Dao Tiền. Với những ưu đãi tiềm năng về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc, hệ thống ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang đang được tỉnh Tuyên Quang xây dựng thành sản phẩm du lịch mới của địa phương.

Du khách đến với những địa danh như ruộng bậc thang Hồng Thái, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, những núi đồi hùng vĩ, điệp trùng, hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình… để tận hưởng những không gian sinh thái, cảnh quan thiên nhiên độc đáo ở độ cao trên 1.280m so với mực nước biển nhưng đồng thời cũng bị thu hút bởi cách gìn giữ những nét văn hóa Dao, Tày lâu đời nơi đây.

Công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng, huyện Na Hang đã khai thác những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Không chỉ trong dịp lễ hội như “Mùa vàng Hồng Thái năm 2022”, hàng tuần, các chương trình trình diễn trang phục dân tộc, nhảy lửa của người Dao Tiền tại quảng trường huyện Na Hang cũng được tổ chức thường xuyên.

Cùng với đó, Na Hang được biết đến như vùng những lễ hội mang đậm màu sắc tâm linh như lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng, lễ cấp sắc, lễ tơ hồng, lễ rước dâu của người Dao trong trang phục thổ cẩm độc đáo… Trong ẩm thực, Na Hang còn hấp dẫn khách du lịch bởi những món ăn thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực của một vùng như lẫu cá lăng, cá nheo, thịt trâu, bò khô, xôi, mỳ ngũ sắc, các loại rau rừng khá lạ lẫm như rau rớn, rau dạ hay những thức uống độc đáo, riêng có của vùng đất này là rượu ngô men lá Sơn Phú, rượu đao.

Anh Hồ Đào (dân tộc Dao), một trong những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch hometay ở xã Hồng Thái chia sẻ: “Hồng Thái có điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, những cánh đồng bậc thang, những vườn lê trĩu quả cùng với những đồi chè Shan tuyết cổ thụ, đặc biệt đó là bản sắc văn hóa của đồng bào Dao Tiền.

Để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với xã Hồng Thái, chúng tôi tích cực tuyên truyền vận động người dân trong thôn, xã giữ gìn cảnh quan, bảo vệ hệ thống ruộng bậc thang tránh phá vỡ không gian tham quan. Đặc biệt giữ gìn nét văn hóa trong trang phục truyền thống của dân tộc, làn điệu Páo dung, các món ăn truyền thống.”

Du khách hào hứng với thực hành nhảy lửa của người Dao Tiền tại quảng trường huyện Na Hang.

Tham gia vào “Lễ hội Mùa vàng Hồng Thái năm 2022” với mục tiêu tham quan, khảo sát tiềm năng và quảng bá du lịch huyện Na Hang, Võ Thị Ngọc Tuyết, Công ty du lịch Bạn Đồng Hành tới từ Đà Nẵng cho biết: “Na Hang có nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng văn hóa của người dân địa phương, đó chính là sức hút với du khách mà người dân nơi đây cần gìn giữ.”

Ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch huyện Na Hang chia sẻ: “Trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương, chúng tôi luôn chú trọng gìn giữ văn hóa các dân tộc. Đồng bào các dân tộc chính là người triển khai các mô hình homestay, tạo không gian để đón tiếp du khách, tham gia các lớp tập huấn đón tiếp khách du lịch với chính các sản phẩm du lịch bắt nguồn từ nét đặc sắc văn hóa của người dân tộc. Từ đó, du khách khi đến với Hồng Thái sẽ được trải nghiệm và khám phá những nét đặc sắc địa phương.”

Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025 đón hơn 350.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 430 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng hơn 5.600 lao động. Các sản phẩm du lịch mới được quảng bá đang góp phần đưa hình ảnh Tuyên Quang đến gần hơn với người dân cả nước.


Theo Báo tin tức
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: