Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp: Bài toán nan giải
Kỳ 2: Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Cập nhật: Thứ bẩy 03/08/2019 - 11:26
 Hiện nay, Công ty Samsung là một trong số ít DN đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ của mình.
Hiện nay, Công ty Samsung là một trong số ít DN đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ của mình.

Theo Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 3120/QĐ-UBND, tỉnh phấn đấu vào năm 2020 sẽ xây dựng được gần 300.000m2 sàn nhà ở cho công nhân, người lao động (NLĐ) tương đương với gần 6.100 căn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 36.000 NLĐ. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế gặnhiều khó khăn.

Doanh nghiệp gặp khó

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 9 dự án nhà ở công nhân (NƠCN) được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai của phần lớn dự án này đều rất chậm. Cụ thể, trong 9 dự án hiện nay chỉ có 8 dự án còn hiệu lực, trong đó 2 dự án đã triển khai xây dựng xong và đi vào hoạt động còn lại 6 dự án hầu như chưa triển khai. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu là do các chủ đầu tư còn gặp khó khăn về nguồn vốn, hơn nữa đầu tư xây dựng NƠCN thời gian thu hồi vốn lâu nên nhiều DN chưa thực sự mặn mà.

Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV (T.P Thái Nguyên) được cấp phép đầu tư xây dựng NƠCN vào năm 2014, thế nhưng, đến nay đã hơn 4 năm Công ty này vẫn chưa thể triển khai được dự án. Ông Nghiêm Xuân Chiến, Giám đốc Công ty cho biết: Nhiều năm qua do chưa cân đối được nguồn kinh phí nên Công ty đã ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh thay vì đầu tư xây dựng NƠCN. Tương tự đối với 2 dự án NƠCN của Công ty TNHH Hùng Cường (T.X Phổ Yên) được tỉnh cấp phép đầu tư năm 2014 và 2015, nhưng đến nay cũng chưa thể thực hiện được. Theo chủ DN này, nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư hạn chế nên các dự án vẫn chưa thể triển khai.

Bên cạnh khó khăn nguồn vốn thì phần lớn DN khi triển khai các dự án NƠCN còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo quy định thì đây là các dự án Nhà nước phải thực hiện đền bù, GPMB tuy nhiên do chưa bố trí được nguồn kinh phí nên phần lớn DN phải tự ứng vốn để thực hiện. Số tiền DN bỏ ra ứng vốn sau này sẽ được trừ vào tiền thuê đất hằng năm. Việc DN bỏ vốn ra thực hiện GPMB đã khiến cho tiến độ các dự án thường bị kéo dài và “đội” chi phí.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Từ thực trạng trên cho thấy để thu hút các DN đầu tư xây dựng NƠCN cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ nhất là về nguồn kinh phí. Theo ông Quách Mạnh Lơ, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng): Việc đầu tiên phải làm là “giải tỏa” được khâu vay vốn để hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà. Bởi nếu chỉ dựa vào nguồn vốn của Ngân hàng chính sách hằng năm thì như “muối bỏ biển”. Nếu địa phương bố trí được nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao thông hỗ trợ dự án thì sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực này; bên cạnh đó là hình thành Quỹ phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở để có nguồn tài chính hỗ trợ, cho vay đầu tư xây dựng hạ tầng. Bài toán về nguồn vốn có thể thông qua hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) để triển khai các chương trình phát triển nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp. Cũng theo ông Lơ, về đất đai khi quy hoạch khu nhà ở cho NLĐ, UBND tỉnh nên xem xét, cho phép chủ đầu tư sử dụng một phần quỹ đất đầu tư xây dựng NƠCN để xây dựng nhà ở thương mại, nhằm tạo nguồn bù đắp cho chi phí bồi thường, GPMB và cơ sở xây dựng hạ tầng.

Đối với khó khăn của NLĐ, theo ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh: Hằng năm, tỉnh nên dành một khoản thu vượt ngân sách để hỗ trợ một phần lãi suất cho công nhân vay dài hạn để mua nhà. Cách làm này sẽ góp phần giải quyết khó khăn về tài chính khi công nhân khó tiếp cận nguồn vay từ các tổ chức ngân hàng, từ đó cũng kích cầu hơn các DN đầu tư phát triển NƠCN.

Ngoài các giải pháp tháo gỡ về nguồn vốn, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này thì địa phương nên chăng xem xét, nghiên cứu và có chính sách đặc thù về đất đai, các cấp chính quyền địa phương cùng các sở, ban, ngành cần hỗ trợ DN thực hiện đền bù GPMB, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cũng như các cơ chế, chính sách về đầu tư NƠCN. Tuy nhiên, để NƠCN thực sự phát huy hiệu quả thì trước khi bắt đầu triển khai dự án, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn khảo sát kỹ nhu cầu mua và thuê nhà của NLĐ, từ đó quy hoạch xây dựng các loại nhà ở cho phù hợp với từng đối tượng như: Đã có gia đình hay còn độc thân; số lượng người ở/phòng; mức giá và các hạ tầng xã hội đi kèm như nhà trẻ, trường học, bệnh viện... Có như vậy thì việc phát triển NƠCN mới thực sự bền vững.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ, DN được vay vốn ưu đãi để phát triển NƠCN. Tuy nhiên, nguồn vốn này mỗi năm rất nhỏ giọt nên DN khi đầu tư xây dựng các dự án NƠCN đều phải tự bỏ kinh phí thực hiện. Sau khi dự án đã hoàn thành, thủ tục để xin hưởng các quyền lợi như miễn tiền sử dụng đất theo quy định cũng rất khắt khe khiến DN chưa thực sự mặn mà.

Bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh: Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng có Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo xây và sửa chữa nhà ở, với mức vay từ 5-30 triệu đồng (lãi suất 0,6-0,8%/tháng). Tuy nhiên, điều kiện để vay nguồn vốn này là NLĐ phải có sẵn đất ở và được đại diện các DN, tổ chức công đoàn đứng ra tín chấp. Thực tế, NLĐ vẫn đang loay hoay tiếp cận được nguồn vốn này do khó đáp ứng được cả hai tiêu chí trên.

Nhóm P.V Kinh tế
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: