SẢN PHẨM NÔNG NGHIÊP ĐƯỢC CẤP CHỨNG NHẬN OCOP:
“Sứ giả” của văn hóa Thái Nguyên

Cập nhật: Thứ tư 30/10/2019 - 09:23
 HTX chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) là đơn vị có 2 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Trong ảnh: Các thành viên HTX thu hái chè.
HTX chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) là đơn vị có 2 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Trong ảnh: Các thành viên HTX thu hái chè.

Năm nay là năm đầu tiên tỉnh ta có 25 sản phẩm nông nghiệp của 8 hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP). Các sản phẩm đều đạt điểm trung bình từ 6,2-8,9 điểm, trong đó có 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 13 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Thành quả này không chỉ thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của các cấp, ngành chức năng mà còn minh chứng cho sự nỗ lực của người dân ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Đã qua hơn 2 tháng kể từ khi 2 sản phẩm chè được cấp chứng nhận OCOP nhưng dường như niềm vui vẫn còn vấn vít trong tâm tưởng của mỗi thành viên HTX chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ nhiệm HTX cho biết: Sản phẩm chè Thịnh An Đặc biệt và chè Thịnh An Thượng hạng của HTX được cấp giấy chứng nhận đạt sao thuộc Chương trình OCOP của tỉnh, tôi tin đây sẽ là “giấy thông hành” để sản phẩm của HTX đến được với những thị trường khó tính trong và ngoài nước… Theo chia sẻ của chị Hảo thì bí quyết để có sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP là người dân phải cùng nhau đoàn kết tạo ra được sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Từ thực tế cho thấy, mỗi sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP lại gắn với một  câu chuyện riêng có của từng sản phẩm, ở mỗi vùng đất, cộng đồng cụ thể. Theo đó, OCOP chuẩn hóa các sản phẩm của mỗi xã, phường, thị trấn theo chu trình 6 bước trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án; đánh giá, xếp hạng sản phẩm và cuối cùng là xúc tiến thương mại. Chu trình này nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ở mức độ nhất định. Điều này đồng nghĩa với việc để 25 sản phẩm nông nghiệp “chạm tay” đến chứng nhận OCOP, bên cạnh sự nỗ lực của người sản xuất, còn có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh ta đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 có ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, thế mạnh hiện có của các địa phương thành sản phẩm OCOP. Trong đó, chứng nhận ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 4 đến 5 sao, các sản phẩm còn lại được đánh giá xếp hạng sao theo tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh đã có 25 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây là kết quả đáng mừng khi mà Đề án OCOP của tỉnh giai đoạn 2019-2025 (với kinh phí trên 700 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh đầu tư trên 70 tỷ đồng) mới đang ở giai đoạn đầu. Hơn nữa, khi chương trình đi vào thực tế đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn của tỉnh… 

Theo kế hoạch, trong năm 2020, tỉnh ta phấn đấu có thêm ít nhất 25 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Từ nền tảng đã đạt được, mục tiêu này không quá khó khăn với Thái Nguyên. Dù vậy, các sản phẩm OCOP không như các sản phẩm hàng hoá lớn dễ gặp phải tình trạng cung vượt cầu (vì quy mô của các sản phẩm này nhỏ, lẻ, có đặc trưng riêng có), mà là chất lượng của sản phẩm theo các quy trình phải được công nhận, công khai. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh việc áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn; tùy điều kiện thực tế, UBND tỉnh nên tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực (cho đội ngũ giám đốc, nhân viên kinh doanh, kế toán trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ hộ sản xuất có phương án kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt)… cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất… đã đăng ký các sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa là: khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được bán ra từ chương trình OCOP, chúng ta nên có sự “biến hóa” để mỗi sản phẩm đều trở thành niềm tự hào và là một “sứ giả” của văn hóa Thái Nguyên.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: