Định hình cực tăng trưởng phía Tây Nam huyện Đại Từ, kỳ I: “Đánh thức” tiềm năng, khai thông lợi thế

Cập nhật: Thứ sáu 21/10/2022 - 16:58
 Cảnh quan hồ Vai Miếu (xã Ký Phú, Đại Từ) phù hợp phát triển du lịch sinh thái.
Cảnh quan hồ Vai Miếu (xã Ký Phú, Đại Từ) phù hợp phát triển du lịch sinh thái.

Với lợi thế về tự nhiên và điều kiện về kinh tế - xã hội nên các địa phương phía Tây Nam của huyện Đại Từ, gồm: Cát Nê, Ký Phú, Văn Yên, Mỹ Yên, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu được cấp ủy, chính quyền định hướng trở thành vùng phát triển du lịch, dịch vụ và nông - lâm nghiệp. Đặc biệt, từ khi Trung ương đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng kết nối mạng lưới giao thông tới huyện Đại Từ đã mở ra nhiều cơ hội, sự kỳ vọng cho địa phương phát triển toàn diện.

Nằm “kẹp” giữa sườn Đông của dãy Tam Đảo hùng vĩ và hồ Núi Cốc rộng mênh mông nên các xã, thị trấn phía Tây Nam huyện Đại Từ có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - tín ngưỡng. Với những lợi thế đó, một vùng nông nghiệp - du lịch trọng điểm sẽ hình thành khi hội tụ đủ về cơ chế chính sách, các công trình kết cấu hạ tầng...

Nơi thiên thời, địa lợi

Vùng đất Tây Nam huyện Đại Từ từ xưa đến nay vẫn là nơi thâm canh cây lúa, chuyên canh cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi theo quy mô trang trại, phát triển dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Do vậy, mức tăng trưởng của các xã, thị trấn và đời sống của người dân ở vùng đất phía Tây Nam khá so với các địa phương khác của huyện Đại Từ.

Toàn huyện Đại Từ có khoảng 600ha đất trồng cây ăn quả tập trung thì phần lớn nằm ở các xã, thị trấn khu vực phía Tây Nam của huyện, với các loại cây ăn quả chủ yếu như: Nhãn, bưởi, cam canh, cam Vinh…

Đáng chú ý, khoảng 3-4 năm trở lại đây, có nhiều vườn chuối tiêu hồng xanh mướt trải khắp các đồi núi ở vùng Tây Nam của huyện. Riêng xã Quân Chu đã có trên 50ha trồng chuối tiêu hồng, tập trung tại các xóm: Chiểm, Tân Tiến và một số xóm lân cận.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ trồng cây ăn quả, những năm gần đây, người dân ở các xã, thị trấn vùng Tây Nam đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc các loại cây trồng để tăng năng suất, sản lượng, cung cấp những loại quả chất lượng cao (toàn huyện có khoảng 90ha diện tích trồng cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP).

Cùng với phát triển cây ăn quả, cây chè vẫn là cây trồng mũi nhọn, được cấp ủy, chính quyền và người dân các xã, thị trấn vùng phía Tây Nam huyện Đại Từ quan tâm đầu tư chuyên canh. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây đã là vùng chè trọng điểm của tỉnh, của Trung ương với sự phát triển rực rỡ của Nông trường và Nhà máy chè Quân Chu, vùng nguyên liệu tập trung có quy mô tới trên 2.000ha.

Không để lãng phí tiềm năng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi, trồng mới, trồng thay thế nhiều diện tích chè già cỗi bằng giống chè mới, có năng suất, chất lượng cao, như: Long Vân, TRI777, LDP1…

Nhiều diện tích đất đồi có độ dốc cao đã được người dân phủ xanh bằng những vạt keo lai, keo nội để vừa bảo vệ môi trường sinh thái vừa tăng thu nhập (trong gần 15.000ha rừng sản xuất toàn huyện, các xã, thị trấn phía Tây Nam chiếm khoảng 1/3 diện tích). Riêng xã Cát Nê đã phát triển mạnh rừng sản xuất với tổng diện tích trên 1.300ha. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, mộc mỹ nghệ cũng phát triển nên ở các xã phía Tây Nam huyện Đại Từ đều có xưởng sản xuất gỗ bóc, pallet gỗ, đồ mộc mỹ nghệ… giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất nông sản an toàn phục vụ du lịch đã, đang được nhiều người dân địa phương chú trọng.

Nhiều tiềm năng du lịch

Nối tiếp những nương chè, rừng sản xuất là các cánh rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Tam Đảo với hệ động, thực vật đa dạng, nên xét về độ “giàu” của rừng ở vùng Tây Nam huyện Đại Từ thì ít nơi cách Thủ đô Hà Nội tầm 50-60km có được.

Bởi thế, Đảng bộ huyện Đại Từ luôn coi khu vực Tây Nam là điểm du lịch quan trọng của địa phương. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách thập phương, nổi bật như: Thác Đát Ngao (xã Quân Chu), hồ Vai Miếu (xã Ký Phú), thác Bom Bom, ghềnh Tổ Chim (xã Mỹ Yên),… Những địa điểm này đều nằm ở sườn Đông của dãy Tam Đảo, nơi hứng lượng lớn mưa nên nước luôn trong mát.

Bên cạnh đó, sườn Đông Tam Đảo có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ từ 18-20 độ C, rất phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Tận dụng lợi thế này, nhiều  hộ dân ở ven Tam Đảo đã hình thành các mô hình du lịch sinh thái như: Quân Chu Farm, Bom Bom Farm, Mo&Jen Camp Retreat… để tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, leo núi, tắm suối, cắm trại, thưởng thức sản vật địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hòa, ở xã Mỹ Yên, cho biết: Nhu cầu thưởng ngoạn phong cảnh, ẩm thực của du khách rất đa dạng, nhiều thành phần nên gia đình tôi làm thêm dịch vụ giải khát, ăn uống phía bên ngoài bìa rừng. Vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ có nhiều đoàn khách nên gia đình có thêm việc làm, thu nhập.

Cùng với những thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn, mảnh đất phía Tây Nam của huyện còn là nơi ghi đậm những dấu ấn lịch sử qua các thời kỳ. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng đã được xếp hạng, bao gồm cả di tích cấp Quốc gia và di tích cấp tỉnh, tiêu biểu như: Núi Văn - Núi Võ gắn liền với danh tướng Lưu Nhân Chú tại xã Ký Phú, Văn Yên; Di tích Tam Sơn hào kiệt ghi lại quá trình hoạt động của những cán bộ đầu tiên trong Đội du kích cách mạng; Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc, tại xã Quân Chu…

Thêm nữa là khoảng 40% diện tích mặt nước, vùng bán ngập, bán đảo của hồ Núi Cốc thuộc huyện Đại Từ quản lý, tạo ra lợi lớn về phát triển du lịch (toàn bộ khu du lịch phía Bắc hồ Núi Cốc hiện nay thuộc xã Tân Thái của huyện Đại Từ) và nuôi trồng thủy sản.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, Đại Từ đã xây dựng Đề án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện với phát triển du lịch.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện huy động hàng trăm tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Từ đó hình thành các tour du lịch trong huyện và kết nối các địa phương lân cận, như: Hồ Núi Cốc - Khu di tích Quốc gia 27/7 - Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc; Hồ Núi Cốc - Khu di tích Quốc gia 27/7 - Nơi thành lập cơ sở đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh - Không gian văn hóa trà La Bằng - Suối Kẹm…

Tiềm năng, lợi thế của các xã, thị trấn vùng Tây Nam nếu tiếp tục được khai thác hiệu quả sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho huyện Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung phát triển bền vững trong những năm tới.

Văn Hiến - Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: