Ngành Giáo dục giải bài toán khó: Thiếu giáo viên vẫn phải giảm biên chế

Cập nhật: Thứ bẩy 30/07/2022 - 09:19
 Yêu cầu tinh giản biên chế trong điều kiện sĩ số học sinh tăng đang gây áp lực lên đội ngũ giáo và ngành Giáo dục.
Yêu cầu tinh giản biên chế trong điều kiện sĩ số học sinh tăng đang gây áp lực lên đội ngũ giáo và ngành Giáo dục.

Số học sinh tăng qua từng năm, trong khi ngành Giáo dục của tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Cùng với đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới lại cần tăng cường giáo viên. Trước thực trạng này, bài toán biên chế, đội ngũ ngành Giáo dục cần có lời giải phù hợp, theo lộ trình.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với các địa phương rà soát thực tế, đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp mang tính tổng thể để thực hiện.

Trên cơ sở biên chế được UBND tỉnh giao hằng năm, Sở GD&ĐT đã thực hiện phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc; Phòng GD&ĐT cấp huyện tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện phân bổ biên chế. Hiện nay, việc phân biên chế theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt cho các cơ sở công lập trên cơ sở đảm bảo tinh giản 10% trên tổng biên chế được giao năm 2015, tính đến năm 2021 và những năm tiếp theo.

Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đối với cơ quan Sở GD&ĐT đã sắp xếp giảm từ 10 phòng xuống còn 7 phòng. Các đơn vị trực thuộc đã sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh thành Trung tâm GDTX tỉnh. Đối với cấp huyện sáp nhập Trung tâm kỹ thuật - tổng hợp và hướng nghiệp với Trung tâm GDTX thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX.

Ngành Giáo dục đã tổ chức rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, thu gọn các điểm trường. Từ năm 2018 đến tháng 7-2022, toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập 34 trường, thành 17 trường. Qua đó không chỉ giảm đầu mối mà cả giảm cả số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Các giáo viên Trường Tiểu học Đông Bo (Võ Nhai) trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.

Để quá trình tinh giản biên chế diễn ra thuận lợi đối với ngành Giáo dục và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Những trường hợp thôi việc ngay theo nguyện vọng, nghỉ công tác để giải quyết chế độ nghỉ hưu và số cán bộ giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo có nguyện vọng nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu đều được ngân sách của tỉnh hỗ trợ một khoản kinh phí theo thời gian công tác.

Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, từ năm 2017 đến tháng 7-2022, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã giảm được 1.404 biên chế (trong đó có 79 cán bộ quản lý, 1.260 giáo viên và 65 nhân viên). Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế trong điều kiện số học sinh tăng ở các cấp học, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tỷ lệ giáo viên/lớp hiện tại chưa tiệm cận quy định, đang đặt bài toán khó cho ngành Giáo dục.

Cần có lộ trình, bước đi phù hợp

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên có 18.217 biên chế trong khi định mức theo quy định là 22.693 biên chế. Như vậy, toàn tỉnh thiếu 4.476 biên chế. Năm 2022, số biên chế toàn ngành được giao là 18.272, số biên chế đến thời điểm ngày 31/5/2022 là 17.589, số biên chế viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên hiện tại còn thiếu so với số được giao là 683 người. Cùng với đó, thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh, hằng năm, ngành Giáo dục phải cắt giảm hơn 500 biên chế.

Theo khảo sát, đánh giá cho thấy, việc thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo áp lực lên đội ngũ giáo viên, làm hạn chế sự sáng tạo của nhà giáo. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2022-2023, đối với lớp 10 có 4 môn học lựa chọn. Trong đó, với nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm các môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), đến nay toàn bộ các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều không có giáo viên 2 bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật. 

Để đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy trong điều kiện tinh giản biên chế, HĐND tỉnh đã ban hành một số nghị quyết hỗ trợ kinh phí để các trường học thực hiện hợp đồng thuê khoán. Song thực tế với mức thuê khoán thấp, thời gian giáo viên nghỉ hè, nghỉ thai sản không được hỗ trợ, không được đóng bảo hiểm xã hội… hầu hết các nhà trường đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và ký hợp đồng với giáo viên.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho rằng: Giải pháp căn cơ cho năm học 2022-2023 khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới là sẽ rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, thu gọn các điểm trường; sắp xếp lại số học sinh trên mỗi lớp tối đa theo quy định của các cấp học để giảm số lớp học.

Trước mắt, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức. Đồng thời, rà soát, điều động, biệt phái giáo viên; sắp xếp giáo viên thực hiện dạy liên trường đối với một số môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh. Đối với bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật còn thiếu ở các trường THPT, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường liên hệ với Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để hợp đồng thỉnh giảng với các giáo viên có đủ trình độ đạo tạo cần thiết, bố trí kế hoạch dạy học. 

Hằng Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: