PCI và DDCI: Cần quan tâm cải thiện thứ hạng, vì sao? (kỳ 1)

Cập nhật: Thứ ba 30/08/2022 - 07:03
 Tiếp cận đất đai là 1 trong ba chỉ số tăng điểm (từ 6,68 lên 7,27 điểm) của PCI năm 2021. Đây cũng là chỉ số có điểm số được cải thiện trong 3 năm gần đây.
Tiếp cận đất đai là 1 trong ba chỉ số tăng điểm (từ 6,68 lên 7,27 điểm) của PCI năm 2021. Đây cũng là chỉ số có điểm số được cải thiện trong 3 năm gần đây.

Trong khi PCI - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã trở thành thuật ngữ quen thuộc, thì DDCI - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương lại là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người. 2021 là năm đầu tiên toàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện đánh giá DDCI và công bố hồi tháng 7-2022. Do vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao DDCI lại được đưa vào khảo sát? Và việc thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số này tác động ra sao đến sự phát triển chung của tỉnh?

Kỳ I: Thang bảng giá trị từ 2 chỉ số

Nếu như PCI là cuộc khảo sát đánh giá ở quy mô cấp quốc gia (chấm điểm giữa các tỉnh), thì DDCI là cuộc khảo sát, đánh giá ở cấp tỉnh, với cách thức tiến hành, triển khai tương tự, nhằm lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đến từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện về thực trạng điều hành kinh tế. Qua đó giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh đánh giá được thực tế môi trường kinh doanh một cách đầy đủ, toàn diện hơn.

Tác động "hai trong một"

Có 10 chỉ số thành phần trong đánh giá PCI, bao gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; chính sách hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.

Trong mỗi chỉ số thành phần lại được xác định bởi rất nhiều các tiêu chí (năm 2021 có tổng 144 tiêu chí). Đây là sản phẩm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai từ năm 2006 đến nay và được bổ sung, chỉnh sửa hằng năm.

Trên cơ sở tương tự Bộ Chỉ số PCI, đồng thời kế thừa kinh nghiệm của một số địa phương đi trước, Bộ Chỉ số DDCI của Thái Nguyên được xây dựng, cho phép đánh giá các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh với nhau và so sánh các khía cạnh về tham mưu, điều hành kinh tế phổ biến giữa các đơn vị.

Theo đó, có 8 chỉ số thành phần để điều tra khảo sát đối với sở, ngành và chỉ số thành phần để điều tra khảo sát đối với các địa phương (thêm chỉ số 9). Cụ thể gồm: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, (2) Chi phí thời gian, (3) Chi phí không chính thức, (4) Cạnh tranh bình đẳng, (5) Hỗ trợ DN, (6) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, (7) Vai trò người đứng đầu, (8) Mức độ chuyển đổi số, (9) Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Hiện, 100% đơn vị sử dụng ngân sách (thuộc đối tượng bắt buộc) và 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Từ những điểm mạnh và yếu trong PCI

Theo kết quả đánh giá PCI năm 2021 của Thái Nguyên, trong số 10 chỉ số thành phần, có 3 chỉ số tăng điểm so với năm 2020, với điểm tăng 0,74 điểm, gồm: Tiếp cận đất đai tăng từ 6,68 lên 7,27 điểm; cạnh tranh bình đẳng từ 6,29 lên 6,67 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự từ 7,34 lên 7,47 điểm.

7 chỉ số còn lại giảm điểm. Trong đó, giảm mạnh nhất là Gia nhập thị trường từ 8,35 xuống 6,83 điểm (giảm 1,52 điểm/tổng điểm giảm chung 1,75); tiếp đến là chỉ số Chi phí thời gian giảm từ 7,70 xuống 7,03 điểm. Các chỉ số còn lại giảm từ 0,01-0,44 điểm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI phân tích: Kết quả khảo sát PCI Thái Nguyên năm 2021 cho thấy các DN ghi nhận sự ủng hộ của chính tuyền tỉnh đối với khu vực tư nhân. Điều này được thể hiện qua con số 81,5% DN FDI đánh giá chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân, cao thứ 4/22 địa phương tham gia khảo sát FDI. Cùng với đó là những đánh giá tích cực về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; chi phí đào tạo và tuyển dụng; môi trường kinh doanh khá bình đẳng; chất lượng thực thi chính sách pháp luật của các sở, ngành và chính quyền cấp huyện khá tốt…

Tuy nhiên, nhiều khía cạnh của tỉnh chưa có chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn 2017-2020 và đứng ở tốp sau trong số 63 địa phương, như: Chi phí thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính; việc xin cấp phép kinh doanh có điều kiện; tiếp cận một số loại thông tin, tài liệu; thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; DN tư nhân phải trả chi phí không chính thức... Từ thực tế này cho thấy, Thái Nguyên còn dư địa, cũng như rất nhiều việc cần làm để nâng cao các chỉ số.

Đến việc đánh giá DDCI

Ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên - đơn vị được Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp giao phụ trách thực hiện nội dung liên quan đến công tác triển khai, khảo sát, đánh giá DDCI 2021 của tỉnh, cho biết: Kết quả đánh giá cho thấy, “Mức độ chuyển đổi số” là chỉ số đạt điểm trung bình cao nhất, với 8,66 điểm. Đây cũng là chỉ số thành phần riêng của tỉnh, được xây dựng trên cơ sở phù hợp với bước đi chủ động của tỉnh.

Còn “Hỗ trợ DN” là chỉ số đạt điểm thấp nhất, với 8,51 điểm. Tuy vậy, chênh lệch giữa 2 chỉ số này cũng chỉ hơn kém nhau 0,15 điểm. Với khối sở, ban, ngành, đơn vị có điểm số cao nhất là Kho bạc Nhà nước tỉnh với 89,17 điểm; thấp nhất là Sở Xây dựng 77,65 điểm. Đối với khối địa phương, điểm trung bình chung là 84,21 điểm. Trong đó, TP. Sông Công là đơn vị dẫn đầu với 86,3 điểm; thấp nhất là huyện Phú Bình 81,25 điểm.

Nhìn vào kết quả trên có thể thấy, so với PCI, điểm số của DDCI cao hơn hẳn, thậm chí đơn vị dẫn đầu còn tiệm cận khá gần với thang điểm tối đa và tất cả đều được xếp trong thứ hạng Tốt. Ông Chu Văn Khanh cho rằng: Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh các đơn vị được khảo sát đã triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh cơ bản đầy đủ và thống nhất. Tuy nhiên, so với PCI, điểm chấm DDCI có phần rộng lượng hơn, do các chỉ số thành phần không bị chia nhỏ.

(Còn nữa...)

Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: