Phát triển vùng quả ngọt Thái Nguyên
Gia đình ông Hoàng Công Chức, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ), có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm nhờ trồng cây ăn quả. |
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đưa cây ăn quả vào trồng trên diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả. Từ đó, khai thác tiềm năng đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung và góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Không phun thuốc diệt cỏ, bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ sinh học, dùng vỏ bọc quả để hạn chế sâu bệnh gây hại… là các giải pháp được gia đình ông Hoàng Công Chức, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ) áp dụng để sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Chức chia sẻ: Trước đây, trên diện tích 1ha vườn, nhà tôi chủ yếu trồng các loại cây: Ngô, khoai, lạc…, năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2012, gia đình tôi bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Hiện, vườn nhà tôi có hơn 200 cây bưởi, 20 cây nhãn và một số loại cây khác như: Chuối, cam… Do sản xuất an toàn nên vườn của gia đình tôi thường có khách hàng đến tận nhà đặt mua. Trung bình 1 năm, gia đình tôi cũng có thu nhập trên 400 triệu đồng từ trồng cây ăn quả.
Cũng như gia đình ông Chức, ông Hoàng Văn Toản, ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã chuyển đổi 6 sào lúa kém hiệu quả sang trồng giống ổi lê từ năm 2019. Hiện nay, cây ổi đã cho thu hoạch năm thứ hai. Ông Toản nói: Trồng ổi không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón đủ dinh dưỡng cho cây và bọc quả để hạn chế ruồi vàng gây hại. Từ 6 sào ổi lê, gia đình tôi có thu nhập quanh năm. Với giá bán dao động từ 10-20 nghìn đồng/kg tùy thời điểm, nhà tôi cũng thu về hơn 120 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Theo tôi dự tính, từ năm thứ ba, thứ tư trở đi, cây ổi sẽ cho năng suất cao hơn, hứa hẹn mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình.
Người dân xóm Mỏ Gà xã Phú Thượng (Võ Nhai) chăm sóc cây ổi.
Không riêng gia đình ông Chức, ông Toản, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Qua đó, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá.
Để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã được bà con áp dụng hiệu quả, như: Ghép cải tạo cây già cỗi, tỉa cành tạo tán, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt, bọc quả để hạn chế sâu bệnh gây hại, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến hành trồng rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch…
Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, các địa phương cũng đẩy mạnh khâu quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Về vấn đề này, ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, tháng 8 vừa qua, UBND huyện phối hợp với Sở Công Thương tổ chức chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp huyện Võ Nhai với tên truy cập là: http://nongsanvonhai.vn và bước đầu đã có 27 hợp tác xã, doanh nghiệp với 49 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được quảng bá, giới thiệu.
Hiện, Thái Nguyên có hơn 14,7 nghìn ha cây ăn quả. Trong đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Vùng trồng nhãn, chuối ở xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên); na ở các xã La Hiên, Phú Thượng (Võ Nhai); bưởi ở các xã Hoàng Nông, Tiên Hội (Đại Từ), Tràng Xá (Võ Nhai); ổi ở xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên)… Trong đó, một số sản phẩm đã được các huyện, thành phố hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm OCOP như na La Hiên, ổi Linh Sơn.
Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, nhiều mô hình trồng cây ăn quả tại các khu vực có thổ nhưỡng phù hợp, người dân chú trọng đầu tư thâm canh đem lại doanh thu khá cao. Cụ thể, đối với cây na đạt 425 triệu đồng/ha/năm, nhãn đạt 300 triệu đồng/ha/năm và bưởi đạt 360 triệu đồng/ha/năm. Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Theo đó, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của toàn tỉnh đã tăng từ 96 triệu đồng/ha (năm 2018) lên 117,8 triệu đồng/ha (năm 2021).
Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hằng năm, Chi cục đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân về cách lựa chọn giống, phân bón, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho từng loại cây theo giai đoạn sinh trưởng. Cùng với đó, công tác dự báo, dự tính tình hình sâu bệnh trên các loại cây ăn quả cũng được Chi cục triển khai kịp thời. Hiện nay, đơn vị đang hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng đối với một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực như na, bưởi…
Có thể thấy, việc tập trung phát triển cây ăn quả theo lợi thế từng vùng đã giúp người nông dân từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để có đầu ra ổn định, đảm bảo phát triển bền vững, cơ quan chức năng cũng lưu ý mỗi hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.