Sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Võ Nhai: Khi khoa học đến ruộng nương

Cập nhật: Thứ ba 28/06/2022 - 07:54
 Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần chuyển dịnh cơ cấu giống lúa, giống ngô của huyện Võ Nhai theo hướng tăng giống mới có năng suất, chất lượng cao.
Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần chuyển dịnh cơ cấu giống lúa, giống ngô của huyện Võ Nhai theo hướng tăng giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực nông nghiệp đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao Võ Nhai. Hằng năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng khá, bình quân tăng từ 5,5%/năm trở lên.

Năm 2019, được sự hỗ trợ của địa phương, gia đình chị Vũ Thị Mến và anh Nguyễn Văn Tuấn ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng hơn 500m2 nhà lưới cùng hệ thống tưới phun tự động để trồng dưa lưới và rau vụ đông. Nhờ làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng trong nhà lưới, mỗi năm, gia đình anh chị có thể thu về trên 150 triệu đồng lợi nhuận.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mến chia sẻ: Nhờ hệ thống lưới bao quanh, cây trồng được bảo vệ, ngăn được côn trùng xâm nhập, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhà lưới cũng cản được tốc độ rơi của nước mưa, giảm ảnh hưởng khi thời tiết có mưa to. Bên cạnh đó, hệ thống tưới phun tự động cũng giúp chúng tôi giảm công lao động, nâng cao hiệu quả gieo trồng bởi lượng nước tưới được điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm sinh trưởng của cây.

Là xã có kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Tràng Xá khuyến khích nông dân phát triển các mô hình áp dụng KHCN vào sản xuất. UBND xã thường xuyên tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế và mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHCN cho nông dân. Ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, cho biết: Ước tính đến thời điểm này, Tràng Xá có gần 300 hộ ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp thành công, với các sản phẩm như: Bưởi Diễn, bưởi Hoàng, thanh long, dưa lưới, bò 3B… Nhờ chọn được các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu của người tiêu dùng, toàn xã đã phát triển được 430ha cây ăn quả, với lợi nhuận thu về đạt từ 15-20 tỷ đồng mỗi năm.

HTX Thịnh Vượng, ở xã Nghinh Tường (chuyên trồng dược liệu và chuối thương phẩm kết hợp chăn nuôi) đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ Tràng Xá, toàn huyện Võ Nhai hiện có hàng trăm mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp thành công, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực nâng cao đời sống người dân. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các mô hình như: Trồng chè hữu cơ sinh học của chị Vũ Thị Vương (xóm Chiến Thắng, xã Bình Long) mỗi năm sản xuất trên 2 tấn chè hữu cơ, cho doanh thu gần 1 tỷ đồng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả na theo tiêu chuẩn VietGAP (xã La Hiên) giúp ổn định và tăng giá trị sản phẩm; nuôi vỗ giòn cá chép của anh Lương Thanh Tiệp (xóm Tân Thành, xã Thượng Nung) thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm; mô hình nuôi bò 3B của 20 hộ nông dân xã Tràng Xá thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ KHCN, hằng năm, huyện Võ Nhai triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất; chuyển giao ứng dụng kỹ thuật mới về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào trồng trọt, chăn nuôi; vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; lựa chọn, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, nói: Trong giai đoạn 2012-2021, chúng tôi đã phối hợp triển khai 35 chương trình, dự án, mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng, trong đó trên 17 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Đến nay, toàn huyện Võ Nhai đã có trên 60% diện tích chè (tương đương trên 700ha) trồng bằng giống mới theo phương pháp giâm cành; 250ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp. Về cây ăn quả, Võ Nhai đã có trên 300ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP và gắn tem truy xuất nguồn gốc; trên 30% người dân trên địa bàn sử dụng các loại phân hữu cơ và phân vi sinh để bón cho cây trồng.

Ngoài ra, huyện Võ Nhai cũng thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo đàn trâu, bò và đàn lợn, nâng cao chất lượng con giống theo hướng tăng sản lượng ngành Chăn nuôi; đưa các giống mới, giống nhập ngoại vào thay thế các giống địa phương năng suất kém… Tính riêng năm 2021, giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện đạt gần 946 tỷ đồng, tăng trên 30% so với năm 2015; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng cây lâu năm đạt 88,7 triệu đồng, tăng 55% so với năm 2015.

Từ những hoạt động hỗ trợ thiết thực, những năm qua, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Võ Nhai đã đem lại những kết quả tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các trang trại, gia trại sản xuất theo chuỗi liên kết; nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất rộng rãi trên địa bàn toàn huyện và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc ứng dụng KHCN cũng từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân vùng cao theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.

Hoàng Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: