Âm nhạc trong mùa dịch: Tiếp thêm tình yêu cho đời
Dịch dã khiến hoạt động nghệ thuật tưởng như "đóng băng", nhưng đời sống âm nhạc vẫn có nhịp đi riêng. Giữa những bức tường nhà, nhiều ca khúc, sản phẩm âm nhạc mới vẫn vang lên, hòa vào tiếng lòng của người dân động viên nhau cùng chống dịch.
Nhạc sĩ Trần Quang Sơn (chơi guitar) thực hiện ca khúc “Sài Gòn sẽ vui”.
“Vitamin” âm nhạc
Giữa những ngày dịch dã căng thẳng, nhạc sĩ trẻ Trần Quang Sơn đã cho ra mắt sáng tác mới “Sài Gòn sẽ vui”, gửi gắm tiếng lòng của nhạc sĩ đang ở Hà Nội tới miền Nam ruột thịt. Ca khúc vẽ lên bức tranh thành phố Hồ Chí Minh hiện tại với những ca từ da diết nhưng đầy lạc quan: “Nhớ những ngày phố ốm, tay bạn bè ấp ôm/ Mai này về lại phố em thương Sài Gòn hơn/ Những hẹn hò trong gió theo nắng chiều thắp lên/ Sài Gòn đang ốm nhưng rồi sẽ vui...”.
Trần Quang Sơn chia sẻ: “Tình cờ đọc được những câu thơ của nhà báo, nhà thơ Đức Hiển do một người bạn thơ gửi giữa những ngày dịch, tôi vô cùng xúc động. Tâm trạng của nhà thơ - một người gắn bó 30 năm với Sài Gòn vô cùng sâu và tình, nó cũng là tâm trạng của nhiều nghệ sĩ cả nước hướng về Sài Gòn trong những ngày dịch dã vô cùng căng thẳng".
Trần Quang Sơn đã chạm được những rung cảm ấy và ngay lập tức những giai điệu vang lên, như thể Sơn đang được sống trong không gian của Sài Gòn những ngày này vậy. Khi Trần Quang Sơn chia sẻ sáng tác của mình lên mạng xã hội, rất nhiều khán giả đã đồng cảm với anh. Bình luận trên trang cá nhân của Trần Quang Sơn, NSND Đỗ Quốc Hưng đồng cảm: "Những lúc này cần nhất là những sản phẩm âm nhạc hay”.
Cảm hứng từ “cuộc chiến chống dịch” cũng thôi thúc nhiều nhạc sĩ khác sáng tác và gửi gắm tác phẩm của mình tới công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với ca khúc “Mong sao hết dịch” nói lên tâm trạng của người dân ở vùng tâm dịch, an ủi người dân đang phải lo toan, kiệt quệ vì dịch. Thầy giáo trẻ Thái Dương sáng tác "Sài Gòn tôi sẽ”, nhạc sĩ Xuân Trí ra MV “Toàn dân đoàn kết chống dịch”... được công chúng yêu thích. Nhiều sản phẩm âm nhạc khác cũng được thực hiện như MV "Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn” của ca sĩ Tuấn Hưng, Khắc Việt; MV "Đồng lòng Việt Nam" cổ vũ lực lượng chống dịch với sự tham gia của khoảng 40 nghệ sĩ... Những sản phẩm âm nhạc thú vị mang đến cảm xúc cho người nghe, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng âm nhạc hay giống như một thứ “vitamin” giúp chúng ta thêm sức mạnh vượt qua đại dịch.
Trách nhiệm và hy vọng
Dịch COVID-19 khiến cho nhiều hoạt động bị “đóng băng” nhưng với đặc thù riêng và sự vượt khó của nghệ sĩ, đời sống âm nhạc vẫn có những chuyển động tích cực. Nhạc sĩ Trần Quang Sơn chia sẻ thêm: “Việc sáng tác, thu âm, cho ra đời tác phẩm âm nhạc trong mùa dịch gặp rất nhiều khó khăn nhưng được sự đồng lòng của cả ê kíp nên chúng tôi đã hoàn thành tác phẩm tạm coi là ưng ý trong thời gian thần tốc so với các tác phẩm âm nhạc thông thường. Hoạt động nghệ thuật là một dòng chảy không ngừng nghỉ, đặc biệt là trong thời điểm người dân cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang phải vật lộn chống chọi với đại dịch Covid-19 thì đây còn là trách nhiệm của người nghệ sĩ lên tiếng, sẻ chia và vực dậy tinh thần của mỗi người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy với Sơn, âm nhạc là cách thức, là phương tiện hữu hiệu nhất để Sơn được chia sẻ trong thời điểm này".
Nhận xét về đời sống âm nhạc nói chung hiện nay, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Mặc dù các hoạt động biểu diễn trực tiếp đã dừng lại gần hết nhưng các nghệ sĩ âm nhạc đã rất nhanh chuyển hướng sang hoạt động online. Việc nghệ sĩ sáng tác các bài hát về đề tài chống dịch là trách nhiệm của người nghệ sĩ, đồng thời cũng là tâm trạng, mong muốn của chính người nghệ sĩ với việc cùng góp sức giúp dịch nhanh chóng bị đẩy lùi. Ở góc độ khác, thời gian qua vẫn có rất nhiều sản phẩm âm nhạc được phát hành, được đông đảo công chúng đón nhận. Những sản phẩm này giúp các nghệ sĩ có thu nhập xứng đáng”.
Tuy giữ được “nhịp” trong sáng tác và ra mắt những sản phẩm âm nhạc online có quy mô nhỏ song nhìn chung, đời sống âm nhạc vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động biểu diễn trực tiếp đã “đóng băng” từ nhiều tháng nay. “Nghệ thuật vẫn là sự thăng hoa khi biểu diễn trước công chúng, các nghệ sĩ âm nhạc luôn mong muốn chúng ta sớm chiến thắng dịch bệnh để đời sống xã hội được trở lại bình thường; các hoạt động nghệ thuật cũng sớm được tổ chức lại, các nghệ sĩ lại được đứng trên sân khấu trục tiếp hát phục vụ khán giả” - chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng là hy vọng chung của nghệ sĩ và công chúng.