Công nghệ và bảo tàng
Dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, công nghệ nghe nhìn hỗ trợ nhiều cho các cuộc trưng bày triển lãm và kết nối “bảo tàng ảo”.
Không chỉ dừng lại ở video, hình ảnh, công nghệ nghe nhìn như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR)… giúp người xem tương tác nhiều hơn với tranh ảnh, hiện vật, đồ vật trưng bày, thậm chí có thể tạo thành một hình ảnh theo phong cách của bản thân để tham quan trong không gian ảo và chụp hình.
Tiện ích từ công nghệ là vậy, nhưng dù hiện đại và hỗ trợ người xem đến mức nào thì vẫn chỉ là thông qua màn hình máy tính, điện thoại; thế nên, kỳ vọng những triển lãm online hay “bảo tàng ảo” có thể thay thế trực tiếp là một áp lực lớn. Thời điểm giãn cách kéo dài, có thể nhìn nhận đây là cơ hội để các bảo tàng nghiên cứu và chuyển đổi những hình thức trưng bày tích hợp công nghệ hay ứng dụng công nghệ để thiết kế “bảo tàng ảo” kết nối không biên giới với khách tham quan.
Công nghệ là câu chuyện bắt buộc trong cuộc chuyển đổi này, nhưng hơn hết chính là cơ sở dữ liệu. Nhiều giám đốc bảo tàng cùng chung quan điểm, để “bảo tàng ảo” thật sự thu hút thì dữ liệu đưa vào số hóa phải đa dạng và phải thiết kế được chương trình hấp dẫn, để thu hút được khách ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại cả giờ đồng hồ tham quan “bảo tàng ảo”, bài toán này không phải đơn giản.
Trong sự bùng nổ của công nghệ, một số bảo tàng tại TPHCM ứng dụng công nghệ vào trưng bày và thử nghiệm xây dựng “bảo tàng ảo”, tuy nhiên hiệu quả vẫn là câu trả lời bỏ lửng, hoặc không muốn nói là chưa cao. Sự nỗ lực của các bảo tàng khi xoay đủ hướng để kết nối với khách trong những ngày giãn cách là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế vẫn chưa mấy thu hút. Trong sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, công nghệ, website và fanpage của một số bảo tàng tại TPHCM hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ… Hay những chương trình online với phần đồ họa chưa thực sự giữ chân người xem quá 10 phút, thì câu chuyện trông chờ vào công nghệ hỗ trợ thu hút khách tham quan là điều không thể; và để khai thác thương mại được càng là chuyện không dễ dàng.
Có một thực tế cần phải nhìn nhận là hoạt động bảo tàng vốn không sôi nổi nhiều như những hoạt động văn hóa giải trí khác. Đặt kỳ vọng vào những công nghệ hỗ trợ và buộc bảo tàng thực sự thu hút, sôi nổi thì có lẽ là một áp lực quá lớn. Mọi chuyển đổi cần có thời gian thử nghiệm và thích nghi, những phân khúc khác nhau trong lĩnh vực văn hóa giải trí sẽ có số lượng khán giả riêng biệt.