Phim Việt xuất ngoại: Giấc mơ gần mà xa
Phim Việt ra nước ngoài từ trình chiếu thương mại đến tham gia các liên hoan phim (LHP) ngày một nhiều hơn. Song tín hiệu tích cực ấy vẫn chưa thể lấp đầy khoảng trống việc chưa tạo được thương hiệu, chỗ đứng trên trường quốc tế, thậm chí “thua” trên sân nhà.
Phim Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác dù chỉn chu nhưng chưa đột phá khi phát hành quốc tế. Ảnh: ĐPCC
Mừng mà lo
Khi đặt câu hỏi hiện trạng xuất khẩu phim Việt hiện nay, bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, một sale agent (đại lý bán hàng) của nhiều phim Việt, không ngần ngại khẳng định đó là một bước tiến. “Họ đã biết phim Việt có những gì, chất lượng đến đâu. Thông qua phim Việt, họ hiểu nhiều hơn về thị trường Việt Nam đang cần gì từ phim nước ngoài. Số lượng phim ra nước ngoài cũng nhiều hơn, tiếp cận nhiều quốc gia hơn. Điều này giúp ích cho việc quảng bá sự đa dạng của phim Việt đến khán giả quốc tế”, bà Minh Hằng phân tích.
Nhận định này không phải không có cơ sở. Có thể dẫn chứng trường hợp Mười: Lời nguyền trở lại sau khi khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 30-9 đã được hơn 10 thị trường nước ngoài mua bản quyền phát hành. Hồi tháng 3, nhà sản xuất (NSX) phim Bóng đè cũng công bố phim được hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền. Trước đó, Chuyện ma gần nhà cũng được phát hành tại Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời có mặt trên nền tảng Netflix tại 10 quốc gia Đông Nam Á. Ở mảng phim dự thi, Memento Mori: Đất tranh giải cao nhất tại LHP Busan 2022. Một số phim ra rạp gần đây: Đêm tối rực rỡ, Người lắng nghe: Lời thì thầm, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác, 578: Phát đạn của kẻ điên… đã và đang tham gia các LHP khác nhau.
Tuy nhiên, những thành công nói trên chưa bền vững, bởi sức cạnh tranh của phim Việt hiện vẫn yếu ngay trên sân nhà. Thời gian gần đây, nhiều phim Hàn Quốc, Thái Lan… liên tiếp xác lập những kỷ lục phòng vé. Đơn cử như trường hợp của Bỗng dưng trúng số của Hàn Quốc đứng đầu phòng vé 3 tuần liên tiếp, vượt doanh thu 150 tỷ đồng.
“Hiện tại, chúng tôi đang lo lắng khi số lượng phim Việt không nhiều và không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng đâu đó tôi cũng phấn khởi khi khá nhiều phim trong số lượng ít ỏi đó đã có những bước tiến mạnh mẽ ra thế giới. Và quan trọng hơn, các nhà sản xuất đã dần nắm bắt được những bước đi phát hành bài bản để bộ phim có nhiều cơ hội chạm đến nhiều thị trường mới hơn”, bà Minh Hằng chia sẻ.
Đề cập đến việc yếu thế của phim Việt khi ra nước ngoài, đạo diễn Lương Đình Dũng đặc biệt đặt vấn đề phim Việt hiện tại không sử dụng ngôn ngữ điện ảnh thuần thục, dẫn đến khó cân bằng thị hiếu khán giả trong và ngoài nước. Anh cho rằng: “Thiếu đi sự đồng điệu, nhiều phim điện ảnh ra rạp không hơn phim truyền hình quay chất lượng cao để chiếu rạp. Nếu lấy tiêu chí làm phim ở Việt Nam sau đó mang đi quốc tế tôi nghĩ không thể thành hiện thực”. Đạo diễn Charlie Nguyễn ví von phim Việt hiện tại giống như “cậu bé mới lớn” và vẫn đang trong giai đoạn phát triển với rất nhiều khó khăn.
Thay đổi từ gốc
Từ kinh nghiệm chào phim các thị trường nước ngoài, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ các phim không nói tiếng Anh, trong đó có phim Việt đều vướng phải những giới hạn nhất định. “Việc nghiên cứu thị trường và bài học thành công là điều tối quan trọng. Chúng ta phải xem các phim Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu… để biết điện ảnh Việt đang ở đâu. Phải nắm bắt được các thị trường muốn xem, mua phim Việt loại nào, từ đó mới xây dựng được chiến lược nhằm hướng tới và đáp ứng điều đó”, anh chia sẻ.
Phim Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác dù chỉn chu nhưng chưa đột phá khi phát hành quốc tế. Ảnh: ĐPCC
Cũng theo đạo diễn Charlie Nguyễn, muốn thành công, phim Việt phải đặt mục tiêu chinh phục thị trường nước ngoài từ quá trình lên ý tưởng. Điều này cần đầu tư dài hơi cả về ngân sách lẫn con người.
Đây cũng là điểm yếu trí mạng khi hầu hết NSX đa phần dồn sự tập trung cho thị trường quốc nội. Anh cũng khẳng định: “Hầu hết các sale agent khi xem phim đều biết nó được thực hiện ra sao, có khả năng bán được ở thị trường nào và thậm chí bán được bao nhiêu tiền. Nên cách duy nhất là phải thực hiện bộ phim có câu chuyện hấp dẫn, kích thích khán giả nước ngoài và thể hiện sự chuyên nghiệp, chỉn chu”.
Đồng quan điểm, bà Minh Hằng cho rằng, bản thân bộ phim phải là thể loại và câu chuyện khán giả quốc tế quan tâm. Nhà làm phim phải hiểu rõ câu chuyện của mình phù hợp với thị trường nào và làm hài lòng thị trường đó. Sở dĩ Mười có được những thành công bước đầu khi phân phối ra nước ngoài bởi ê-kíp đã lên kế hoạch từ giai đoạn sản xuất. Do đó, quá trình tiếp cận khách hàng diễn ra sớm, cũng như chủ động sắp xếp các cơ hội phát hành theo trình tự ưu tiên và theo tiêu chuẩn phát hành bài bản. Bản thân bộ phim ở thể loại kinh dị cũng là một thuận lợi khác vì đây là thể loại được nhiều nước ưa chuộng. Điều này cũng đúng với trường hợp của Bóng đè hay Chuyện ma gần nhà.
Liên quan đến câu chuyện thương hiệu, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, điện ảnh Việt cần lắm một thương hiệu điện ảnh đúng nghĩa mới mong phát triển bền vững. “Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng tài năng cá nhân của mỗi nhà làm phim và từng bộ phim. Khi có một bộ phim, nhà làm phim nào gây tiếng vang, họ sẽ thích thú, tò mò tìm hiểu kỹ hơn. Điện ảnh Việt hiện đang có quá ít nhà làm phim xuất chúng để được chú ý”, đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích thêm. Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL, từng khẳng định, điện ảnh Việt hiện đang thiếu những nhân tài có sức hút với điện ảnh thế giới như một số quốc gia trong khu vực đã làm được. Có những tên tuổi lớn sẽ góp phần thu hút sự chú ý của công chúng và các nhà đầu tư, góp phần nâng cao vị thế điện ảnh quốc gia.