Bạo lực học đường: Chưa bao giờ hết "nóng"
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Lương - nơi xảy ra vụ việc nhóm học sinh đánh nhau ngày 25/10/2022.. |
Dù mới bước vào năm học 2022-2023 được gần 2 tháng, nhưng Thái Nguyên đã ghi nhận 2 vụ bạo lực học đường (BLHĐ) liên tiếp. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn tới các vụ việc tưởng chừng rất đơn giản, song lại được giải quyết bằng những cuộc ẩu đả. Nhất là hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện những video clip, quay cảnh học trò xô xát, ẩu đả. Điều này càng khiến cho câu chuyện bạo lực học đường trở thành vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm.
Ngày 27-10, trên mạng xã hội xuất hiện video clip về một nhóm học sinh (HS) đánh nhau, trong đó, 1 em bị bạn đánh nằm co giật liên tục. Ngay sau khi video clip được đăng tải, nhiều người bày tỏ rất phẫn nộ với hành động của nhóm HS này. Sau khi xác minh thông tin, cơ quan chức năng xác định đây là nhóm HS của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Phú Lương.
Theo đó, vào khoảng 11 giờ ngày 25/10/2022, tại khu vực cổng Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Lương, một nhóm HS gồm: L.N.H, lớp 10A1; Đ.V.Đ, lớp 10A1; P.T.S, lớp 11A3 (mới bỏ học); N.Q.T, lớp 10A3; M.K.L, lớp 12A2 và M.T.T, lớp 12A2 tham gia đánh nhau.
Theo tường trình của M.K.L, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do sau khi tan học, M.K.L lấy xe máy đi về, do pô xe kêu to nên Đ.H.Đ đứng cạnh đó nói rằng: “Mày thích nổ pô không?". Sau đó Đ.H.Đ tát M.K.L và giữa 2 bên xảy ra đánh nhau. Thấy bạn của mình bị đánh, bạn của L và Đ cũng lao vào ẩu đả.
Sau đó, khi thấy Đ.H.Đ bị co giật, nhóm bạn đã đưa em HS này đến Trung tâm Y tế huyện Phú Lương, sau đó chuyển về Bệnh viện A Thái Nguyên để khám tổng quát và được chẩn đoán sức khỏe không có vấn đề gì. Em Đ.H.Đ đã về nhà và đi học bình thường vào ngày hôm sau.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, bà Mã Thị Phương Lan, Phó Giám đốc GDNN-GDTX huyện Phú Lương, cho biết: Trung tâm đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm yêu cầu các em đánh nhau viết tường trình và thông báo cho phụ huynh HS đến làm việc vào 8 giờ ngày 28/10/2022. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an để xác minh, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh, không bao che cho bất kỳ trường hợp vi phạm nào.
Trước đó, ngày 12/9/2022, tại Trường THCS Nam Tiến (TP. Phổ Yên), chỉ vì cho rằng bạn nhìn đểu mình, nhóm 3 HS nữ đã đánh 1 bạn nữ ngay trong lớp. Sau khi bị bạn đánh, bản thân HS này và các em khác có mặt chứng kiến đã giấu toàn bộ sự việc, không báo cáo Nhà trường, gia đình và vẫn đi học bình thường.
Sau khi phát hiện vụ việc, Trường THCS Nam Tiến đã quyết định đình chỉ học tập 2 tuần với 3 HS trực tiếp tham gia đánh bạn; với những em thấy bạn bị đánh nhưng thờ ơ, không can ngăn hay báo cho Nhà trường, thậm chí còn quay video clip, bị đình chỉ học tập 1 tuần.
Qua 2 vụ việc nêu trên cho thấy, các mâu thuẫn dẫn đến các vụ BLHĐ rất đơn giản. Tuy nhiên, cách xử lý vấn đề của các em HS lại manh động, bột phát. Điều đáng lên án là nhiều em khi thấy bạn đánh nhau không những không can ngăn mà còn "nhập cuộc" hoặc quay video clip chia sẻ với nhau và đưa lên mạng xã hội.
Trao đổi về quan điểm xử lý các vụ BLHĐ, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), khẳng định: Khi phát hiện vụ việc BLHĐ, lãnh đạo Sở thẳng thắn nhìn nhận sự việc, điều tra tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để trên quan điểm: Kỷ luật nghiêm, giáo dục tích cực đối với HS.
Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng kiểm điểm nghiêm khắc đối với cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm về trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục HS để xảy ra BLHĐ. Trong thời gian tới, toàn ngành Giáo dục tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống BLHĐ. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị về điều kiện đảm bảo trường học an toàn, an ninh trật tự trường học, phòng, chống BLHĐ. "Sở GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp và thông báo công khai trong toàn ngành." - Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài những giải pháp nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục cần tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của HS trong việc nói không với hành vi BLHĐ. Các cơ sở giáo dục cũng cần quan tâm đến việc tư vấn tâm lý cho HS, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đối với việc quản lý, giáo dục HS.
Mặt khác, các nhà trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các gia đình, phát huy vai trò của HS trong việc ngăn chặn hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân và bạn bè.