Chuyển đổi số: Ngành Giáo dục nhập cuộc với quyết tâm cao

Cập nhật: Thứ sáu 24/12/2021 - 10:43
 Dạy học trực tuyến tại Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên).
Dạy học trực tuyến tại Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên).

Với gần 700 cơ sở giáo dục, hơn 300 nghìn học sinh, trên 18 nghìn cán bộ, giáo viên và có ảnh hưởng tới hàng triệu phụ huynh học sinh, ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cần nhập cuộc với quyết tâm cao nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng và sự thay đổi toàn diện trong lĩnh vực GD&Đ T.

Ngành đã chủ động phối hợp với các đơn vị viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Chuyển biến mạnh nhất là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, dạy học trong các cơ sở giáo dục.

Đến nay, 100% đơn vị, trường học toàn tỉnh đã được trang bị máy vi tính; gần 600 cơ quan quản lý giáo dục, trường học đã và đang được Viettel, VNPT hỗ trợ miễn phí 1- 2 đường truyền Internet cáp quang, đảm bảo tốt công tác quản lý, giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh theo hướng ứng dụng CNTT…

Là một trong 5 trường học của tỉnh được chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh, Trường THPT Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) đã thực hiện việc quản lý bằng số hóa từ học sinh, giáo viên đến nhân viên phục vụ.

Thầy Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học, quản trị Nhà trường đã đem lại hiệu quả lớn cho việc cải cách giáo dục. Tất cả học sinh, giáo viên đều có một mã định danh riêng trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Nhà trường, khi cần có thể truy xuất bất cứ lúc nào. Đối với hoạt động giảng dạy, tất cả các phòng học của Nhà trường đều được trang bị máy chiếu, sử dụng bài giảng điện tử, hệ thống wifi toàn trường thuận tiện cho việc kết nối hoặc tìm kiếm thông tin mang lại kết quả và chất lượng giáo dục cao…

Hiện nay, hoạt động kiểm tra thường kỳ trên lớp hầu như giáo viên đã sử dụng hình thức trực tuyến, trắc nghiệm và phỏng vấn, xây dựng video theo chủ đề các môn tự luận. Mới đây, nhờ ứng dụng CNTT tin và mã định danh nên chỉ sau 2 tiếng, toàn trường đã xác định được các F0, F1, F2... khi truy vết liên quan đến dịch tễ COVID-19.

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT Thái Nguyên đang tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và trong dạy học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GD&ĐT nhanh chóng, chính xác.

Chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: 100% trường THCS&THPT, THPT, phòng GD&ĐT trong tỉnh đã triển khai xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử (Td Office); hơn 80% trường học đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường (vnEdu, Smas, QLTH.VN, …). Các bậc học THCS, THPT luôn đạt trên 95% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý trường học; 100% trường THCS, THPT sử dụng sổ điểm điện tử; hơn 90% cán bộ, giáo viên và hơn 80% học sinh có ít nhất một tài khoản sử dụng phần mềm quản lý trường học. Các trường học đang sử dụng những phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng OTT trên di động cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh. Mỗi giáo viên phổ thông biết sử dụng ít nhất 1 phần mềm trong soạn giáo án điện tử, hệ thống hội họp, tập huấn trực tuyến (LMS) phục vụ tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới…

Trần Nguyên
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: