Đại học Thái Nguyên: Phát huy vai trò đội ngũ trí thức

Cập nhật: Thứ ba 25/10/2022 - 06:12
 TS. Nông Thị Anh Thư (Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên) cùng các sinh viên thực hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Trường. Ảnh: Tư liệu
TS. Nông Thị Anh Thư (Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên) cùng các sinh viên thực hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Trường. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực. Phát huy vai trò đội ngũ trí thức sẽ là tiền đề để khai thác tiềm năng kinh tế tri thức của ĐHTN trong tương lai.

Với vai trò là đại học vùng, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ĐHTN không chỉ là trung tâm đào tạo với quy mô cả nước, mà còn là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học-công nghệ trọng điểm quốc gia.

Khi mới thành lập, Đại học Thái Nguyên chỉ có 1.556 viên chức, người lao động. Năm 2008 tăng lên 2.498 viên chức, người lao động. Đến năm 2021, số lượng cán bộ, viên chức, người lao động của Đại học Thái Nguyên là 3.804 người (tăng lên 1,52 lần).

Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy không ngừng được nâng cao. Năm 2008, Đại học mới có 30 giáo sư, phó giáo sư, 153 tiến sĩ, 582 thạc sĩ. Đến nay, Đại học đã có 138 giáo sư, phó giáo sư, 837 tiến sĩ, 1.992 thạc sĩ và tương đương… Đội ngũ trí thức của Đại học tăng nhanh về số lượng và chất lượng, phát huy tốt vai trò trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách cho các tỉnh trong khu vực và các bộ, ngành.

Về đào tạo bồi dưỡng, trong giai đoạn 15 năm 2008 – 2021, Đại học Thái Nguyên đã cử 5.339 lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học, trong đó có 1.185 người được cử đi học tiến sĩ, 1.279 người đi học thạc sĩ. Nhiều cán bộ được cử đi học tập, bồi dưỡng tại nước ngoài.

Môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ, trọng dụng trí thức đã được Đại học Thái Nguyên quan tâm như: Hỗ trợ kinh phí cho viên chức đi học tiến sĩ, thạc sĩ đúng hạn, hỗ trợ kinh phí làm hồ sơ đối với nhà giáo, quản lý được công nhận giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường làm việc và nghiên cứu cho các nhà khoa học…

Sau 28 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 600.000 người có trình độ đại học và sau đại học. Chỉ tính riêng trong 15 năm gần đây, Đại học đã đào tạo, cung cấp cho vùng và đất nước mỗi năm trên 14.000 người có trình độ đại học, trên 1.500 người có trình độ sau đại học.

Số cán bộ do Đại học Thái Nguyên đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Đến nay, ĐHTN đã ký biên bản hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao công nghệ cho hầu hết các tỉnh trong vùng.

Để tiếp tục thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW, Đảng ủy ĐHTN xác định mục tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ đến năm 2035: Giảng viên có trình độ tiến sĩ từ 55% - 65%, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư từ 20,0% - 25%; 100% giảng viên còn lại có trình độ thạc sĩ và tương đương; 100% giảng viên và cán bộ, viên chức trong độ tuổi quy định đạt chuẩn ngoại ngữ, tin học…

TS. Trần Quang Hưng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: