Dạy và học tiếng Anh: Quan tâm đặc biệt đến “khâu then chốt”

Cập nhật: Thứ năm 20/10/2022 - 06:41
 Giờ học môn Tiếng Anh của lớp 3A, Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ).
Giờ học môn Tiếng Anh của lớp 3A, Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ).

Những năm gần đây, ngành Giáo dục tỉnh đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên (GV) tiếng Anh, nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học bộ môn này ở các cấp học.

Hoàn thành khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ (gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức trong dịp hè vừa qua, cô Phạm Thu Phương, GV bộ môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học La Hiên (Võ Nhai), thấy vững vàng hơn về chuyên môn.

Cô Phương chia sẻ: Trước khi tham gia khóa bồi dưỡng, chúng em phải kiểm tra đầu vào cả 4 kỹ năng để phân lớp. Chương trình bồi dưỡng có thời lượng 35 ngày học, 280 tiết gồm nhiều nội dung thực tiễn hơn lý thuyết. Khoá bồi dưỡng rất hữu ích cho bản thân em và nhiều GV Tiếng Anh khi năm học này em được phân công dạy lớp 3 Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thầy giáo Đặng Quốc Huấn, Trường Tiểu học và THCS Tân Thái (Đại Từ), cho biết: Năm học 2020-2021, tôi và nhiều đồng nghiệp trong tỉnh được tham gia khóa bồi dưỡng thuộc Đề án Ngoại ngữ quốc gia. Dịp hè năm nay, tôi tiếp tục được tham gia khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ do Sở GD&ĐT tổ chức. Mặc dù đã đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ để dạy ở bậc học này, song qua các khóa học nêu trên tôi đã tích lũy được thêm nhiều kiến thức để đổi mới tiến trình của tiết học, đặc biệt là tạo ra các trò chơi để học sinh hào hứng, yêu thích và học hiệu quả hơn…

Đúng như những chia sẻ của cô Phương, thầy Huấn, khi bắt đầu triển khai thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020", Thái Nguyên gặp khó khăn về đội ngũ GV do mặt bằng chất lượng không đồng đều.

Giáo viên đang dạy môn Tiếng Anh tại các trường trong tỉnh được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau (GV dạy môn Tiếng Nga sau đó đi học chuyển sang dạy môn Tiếng Anh; hoặc học qua các lớp đào tạo liên kết; đại học tại chức, chính quy). Dù về bằng cấp hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn theo trình độ, nhưng các kỹ năng về ngôn ngữ của một số GV còn có mặt hạn chế.

Để đạt mục tiêu tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh trong các cấp học, xây dựng môi trường dạy học và sử dụng tiếng Anh trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên và các đơn vị có đủ năng lực thực hiện chương trình bồi dưỡng GV bộ môn Tiếng Anh, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ trong giảng dạy và sử dụng tiếng Anh theo quy định của Bộ GD&ĐT, mời giảng viên người nước ngoài dạy hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói cho GV Tiếng Anh.

Chỉ tính từ năm 2021 đến hết tháng 9 năm nay, toàn tỉnh đã cử 570 GV Tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng, trong đó, 49 GV được bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực, 281 GV được bồi dưỡng năng lực sư phạm, 180 GV được nâng cao kỹ năng nghe, nói và 60 GV môn Toán cấp THPT được bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh…

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã ký kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ với một số trường đại học, tổ chức giáo dục của các nước: Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga.

Với những giải pháp cụ thể, kết thúc năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 929/996 GV đã đạt theo quy định của Bộ GD&ĐT về năng lực ngoại ngữ, chiếm 93,27% (trong đó, cấp Tiểu học có 322/336 GV đạt chuẩn B2 trở lên, cấp THCS có 418/441 GV, cấp THPT có 189/219 GV).

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ GV dạy môn Tiếng Anh,  các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh còn tăng cường tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khoá tiếng Anh, ngày hội sử dụng tiếng Anh… nhằm tăng cường kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh.

Nhờ vậy, chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh đã được nâng lên theo hướng bền vững. Nếu như năm học 2020 - 2021, HS các cấp học tham gia thi Olimpic tiếng Anh (IOE) là 16,67%, không có HS nào đạt điểm giỏi, thì năm học 2021 - 2022, số HS dự thi là 29%, trong đó có 2% HS đạt điểm giỏi. Điểm trung bình môn trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 có môn Tiếng Anh đạt từ 5,15 điểm trở lên, cao hơn điểm trung bình năm học 2021-2022.

Đặc biệt, theo thống kê kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, số bài thi có điểm từ 9 trở lên của toàn tỉnh là 2.908 bài, trong đó, Ngoại ngữ đứng thứ 3 với 338 bài…

Với lộ trình rõ ràng, bước đi phù hợp và các giải pháp tổng thể, ngành Giáo dục đã từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ GV dạy môn Tiếng Anh và khả năng sử dụng tiếng Anh cho học sinh theo chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập.

Hằng Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: