Giáo dục phát triển thể chất của trẻ

Cập nhật: Thứ tư 05/10/2016 - 08:19
 Giờ học giáo dục thể chất của các cháu mẫu giáo Trường Mầm non 19-5 (T.P Thái Nguyên).
Giờ học giáo dục thể chất của các cháu mẫu giáo Trường Mầm non 19-5 (T.P Thái Nguyên).

Với mục tiêu nâng cao tầm vóc và thể lực của trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non (MN) giai đoạn 2013-2016”. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, các trường MN trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư thêm các phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ nội dung giáo dục phát triển thể chất của trẻ.

Có mặt tại Trường Mầm non Kim Phượng, huyện Định Hóa trong giờ học giáo dục thể chất, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự hào hứng của trẻ khi được tham gia các hoạt động phát triển vận động. Mặc dù trong quá trình vận động, mồ hôi ướt đẫm cả áo nhưng khuôn mặt các em lúc nào cũng thể hiện sự thích thú. Tất cả các hoạt động phát triển vận động đều được trẻ tham gia một cách sôi nổi, nhiệt tình như hoạt động đi trên cầu thăng bằng, đưa bóng vào rổ, đu quay, thang leo… Ngoài những giờ học giáo dục thể chất, Nhà trường còn tổ chức các buổi tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, giúp họ thay đổi nhận thức trong việc nên cho trẻ chơi các trò chơi ngoài trời sau mỗi buổi tan trường. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, năng động hơn, đồng thời giúp trẻ phát triển vận động. Việc tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động, trò chơi vận động, ngoài góp phần rèn luyện thể lực, tăng khả năng vận động còn hình thành cho trẻ tính mạnh dạn, nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai và khả năng tự lập.

 

Cô giáo Đặng Thị Na, Hiệu trưởng Trường MN Kim Phượng cho biết: Nhà trường nằm trên địa bàn xã còn có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, trẻ em dân tộc thiểu số chiếm 90%. Trước rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao, Nhà trường đã huy động mọi nguồn lực từ các đoàn thể địa phương, giáo viên, phụ huynh với nhiều hình thức như: đóng góp bằng ngày công lao động, nguyên vật liệu (xi măng, cát sỏi để làm sân, gỗ để làm đồ chơi, tre nứa để làm mái che, cỏ lát nền…). Với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, từ những nguyên liệu rẻ tiền, đồ dùng tái chế, các vật liệu bản địa… được tạo thành những đồ dùng, đồ chơi bền đẹp, hấp dẫn, thân thiện. Cụ thể với nguyên liệu gỗ, tre, nứa, các cô giáo làm thành đồ dùng như cầu đi thăng bằng, cầu khỉ, xích đu, đánh đu, thang leo, gậy thể dục. Những chiếc lốp ô tô, xe máy hỏng được làm thành các ống chui, vòng chui, bục nhảy cao… cho trẻ vận động. Nhà trường đã quy hoạch khu phát triển vận động cho trẻ với diện tích gần 300 m2. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi tự làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo. Sau khi tổ chức 4 cuộc thi đã thu được 82 bộ đồ chơi đảm bảo đủ chủng loại để đưa vào khu phát triển vận động cho trẻ… Sau 3 năm thực hiện, nhìn chung, các hoạt động đã mang lại hiệu quả, nhất là trong việc giúp trẻ phát triển cả về thể lực lẫn trí tuệ.

 

Phát triển thể chất là một trong 5 mặt phát triển toàn diện của trẻ ở độ tuổi MN. Phát triển thể chất đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó không chỉ là sự phát triển về hình thái cơ thể bên ngoài mà còn là yếu tố giúp trẻ phát triển toàn diện về nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm. Nhận thức được tầm quan trọng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Công văn số 808/BGDĐT-GDMN ngày 25/2/2014 về việc hướng dẫn thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường MN giai đoạn 2013-2016”. Sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT  đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tới tất cả các trường MN, 100% các nhóm lớp, trong đó lấy Trường MN Túc Duyên T(.P Thái Nguyên) làm mô hình điểm cấp tỉnh để thực hiện. Cấp huyện có 14 trường MN được chọn xây dựng điểm cấp huyện, trung bình mỗi địa phương chọn từ 1-2 trường, riêng T.P Thái Nguyên chọn 3 trường.

 

Sở GD & ĐT đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 1200 lượt cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường MN toàn tỉnh. Chỉ đạo các phòng Giáo dục tổ chức hội thảo theo cụm chuyên môn cho giáo viên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm các giải pháp tối ưu thực hiện chuyên đề. Đưa nội dung giáo dục phát triển vận động cho trẻ ở các độ tuổi và Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp; hội khỏe măng non; bé vui hội xuân… Các nhà trường đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sử dụng có hiệu quả môi trường hoạt động trong lớp và ngoài trời. Hiện nay, số trường MN có sân chơi liên hoàn đạt 70%, tăng 37% so với 3 năm học trước. Số nhóm trẻ có đủ thiết bị, đồ chơi giáo dục phát triển vận động theo quy định đạt 83%, tăng 18% so với 3 năm học trước. Tổng kinh phí đầu tư cho chuyên đề trong 3 năm qua toàn tỉnh là trên 150 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngành Giáo dục trên 47 tỷ đồng, các địa phương, nhà trường trên 103 tỷ đồng…

 

Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện Chuyên đề đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện môi trường vui chơi, vận động cho trẻ. Đội ngũ giáo viên được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp, hạn chế sự gò bó, máy móc trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ. Đặc biệt, việc thực hiện chuyên đề không chỉ giúp trẻ rèn luyện, phát triển tốt cả về thể chất, tạo cho trẻ hứng thú, yêu thích đối với các loại vận động và hoạt động tập thể, mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện nhờ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục vào hoạt động vui chơi.

Thúy Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: