Học sinh giỏi nhiều nhưng không đều

Cập nhật: Thứ ba 22/06/2021 - 10:06
 Học sinh nhận kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực khi xét tuyển vào Trường THCS Chu Văn An.
Học sinh nhận kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực khi xét tuyển vào Trường THCS Chu Văn An.

Sau khi kết quả trúng tuyển vào Trường THCS Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) được công bố ngày 18-6, không ít người ngỡ ngàng về năng lực thật và độ chênh lệch về điểm số của một số thí sinh: Điểm học tập đánh giá cuối kỳ lớp 5 hai môn Toán, Tiếng Việt toàn 9 và 10; điểm kiểm tra, đánh giá năng lực thì chỉ đạt 3-4, thậm chí là 2 điểm. Độ chênh giữa học (học bạ) với kiểm tra; độ chênh giữa trúng tuyển và điểm dưới trung bình phần nào phản ánh chất lượng học sinh giỏi không đồng đều.

Điểm trúng tuyển qua kiểm tra, đánh giá năng lực, kết hợp xét tuyển vào Trường THCS Chu Văn An năm nay là 32,4. Phương thức tính điểm là tổng điểm kiểm tra 2 môn Toán, Tiếng Việt cuối lớp 5 và điểm 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực do Trường THCS Chu Văn An tổ chức.

Nhìn vào danh sách dự tuyển, phụ huynh nào cũng lo lắng cho con mình trước một kỳ tuyển sinh trường điểm căng thẳng đến vậy. Tỷ lệ 3 chọn 1 theo danh sách ấn định và chỉ tiêu được Trường công bố. Nhưng lo lắng hơn chính là trúng tuyển hay không, khi toàn học lực giỏi. Gần 900 em toàn diện giỏi, ưu tú khi điểm đánh giá cuối lớp  5 toàn 9 và 10, thậm chí cả hai môn đều 10 điểm.

Khách quan đánh giá có thể thấy sự lựa chọn học sinh “giỏi của giỏi” để xây dựng môi trường điểm về chất lượng cao là hoàn toàn đúng đắn. Lựa chọn cạnh tranh như vậy sẽ cho chất lượng đầu vào tốt và chất lượng dạy học cũng sẽ nâng cao.

Căn cứ bảng điểm dự tuyển, thí sinh ở bậc tiểu học (điểm đánh giá cuối cấp là 9-10), như vậy về hồ sơ đăng ký dự tuyển không thể có học sinh khá hay yếu, kém được. Trong số hơn 1.600 bài thi hai môn Toán và Tiếng Việt có trên 30% bài thi của thí sinh chỉ đạt điểm số từ 4 điểm trở xuống. Đối chiếu với kết quả học sinh trúng tuyển thì hầu hết tổng điểm hai môn đều từ 14 trở lên. Vậy 30% điểm dưới trung bình với sức học giỏi có phản ánh thực chất học năng lực của học sinh?

Có thể đợt kiểm tra, đánh giá năng lực đầu vào tuyển sinh với Trường THCS Chu Văn An hàng năm không phải vì mục tiêu phản ánh xếp loại học lực học sinh, mà vì mục đích tuyển sinh có sự phân hóa, phân loại từ cao xuống thấp để bảo đảm chất lượng tuyển chọn. Tuy nhiên, khi đã đưa ra mục đích là “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh dự tuyển vào lớp 6” thì việc học của học sinh cấp tiểu học phải bảo đảm đúng chất lượng, nghĩa là học lực giỏi thì không thể có những bài kiểm tra, đánh giá năng lực dưới 3 điểm.

Trên thực tế, mục tiêu, nhiệm vụ học tập của giáo dục phổ thông chính là trang bị kiến thức phổ thông cho người học, nâng cao nhận thức và phát huy năng lực tư duy sáng tạo cho học sinh, từ đó định hướng, phân luồng học tập cho tương lai... Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học là "bỏ chấm điểm, tăng nhận xét", với mục đích giảm áp lực cho trẻ. Nhưng đã có xét bằng cộng điểm đánh giá cuối kỳ lớp 5, của bậc tiểu học thì sẽ có những “cuộc đua” để có điểm cao, tăng cơ hội khi dự kiểm tra, xét tuyển vào trường điểm như Trường THCS Chu Văn An.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định trách nhiệm của giáo viên trong việc nhận xét, ghi chép, theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh, bàn giao giữa giáo viên lớp cũ và mới về tình hình thay đổi của học sinh trong quá trình học tập, trao đổi với cha mẹ học sinh cách hỗ trợ, động viên con...

Một học sinh được đánh giá là giỏi hay yếu phụ thuộc vào điểm số cuối kỳ, cuối năm, điều này dễ “lạm phát” điểm 10, “học bạ đẹp” của học sinh và điểm 9, điểm 10 đánh giá cuối kỳ có phản ánh năng lực thực chất khi kiểm tra chỉ đạt 2-3 điểm?.

Trinh An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: