Ngôi nhà thứ hai của học sinh dân tộc thiểu số Văn Lăng

Cập nhật: Thứ hai 03/10/2022 - 14:33
 Giờ học Mỹ thuật của lớp 4A.
Giờ học Mỹ thuật của lớp 4A.

Đến thăm các phòng ở của học sinh (HS) Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ), cảm nhận đầu tiên của tôi là sự ngăn nắp, sạch sẽ. Vườn hoa, cây cảnh trước dãy nhà ở, lớp học được chăm sóc cẩn thận. Đặc biệt, các em rất lễ phép chào hỏi khi gặp thầy cô, khách đến Trường.

Trò chuyện với các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nấu ăn, chúng tôi càng hiểu để có nền nếp như vậy là cả một quá trình rất dài. Bởi đặc thù HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, Trường tiếp nhận về dạy học, ăn ở bán trú. Khó khăn nhất là HS lớp 1, phải sống xa bố mẹ song chỉ mất một thời gian ngắn các em đã thích nghi với môi trường mới, bởi các thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai chăm lo cho các em từ bữa ăn tới giấc ngủ. Đối với khối học này, toàn bộ việc tắm giặt các cô giáo đảm nhiệm, vừa làm vừa hướng dẫn để HS biết tự phục vụ…

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 em Dương Văn Doanh lớp 3A ăn, ở, sinh hoạt tại Trường. Ngoài sự quan tâm của thầy cô, Doanh vơi đi cảm giác nhớ nhà hơn các bạn khác vì có em trai là Dương Văn Nghiệp học sau 1 lớp và ở cùng một phòng. Dưới dự hướng dẫn của thầy cô giáo, hai anh em không chỉ thích nghi nhanh, tự lập hơn mà Doanh còn hỗ trợ em học tập tốt trong ngôi nhà thứ hai này.

Dương Văn Doanh nhớ lại: Hai tuần đầu đến trường học lớp 1 cứ buổi chiều và tối em nhớ nhà nên hay ngồi khóc. Những lúc ấy cô giáo lại ôm em vào lòng dỗ dành. Dần dần em vơi đi cảm giác nhớ nhà. Em được các cô xếp phòng cho ở cùng các bạn gần nhà, từ bé chúng em chơi với nhau nên em rất vui. Khi em trai em xuống học, các cô cho hai anh em ở cùng nên càng vui hơn.

Những chia sẻ của Doanh cũng là cảm nhận của chúng tôi về Nhà trường. Đó là sự ấm áp, tình yêu thương, quan tâm chăm lo mà các thầy cô dành cho HS như con em của mình. Nhà trường đã xây dựng được lịch học tập trên lớp, giờ vui chơi, giờ ăn, giờ tự học cho đến việc tắm giặt rất nền nếp.

Học sinh bán trú được ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Nhà trường tâm sự: Vất vả nhất là các em đầu cấp tiểu học. Các em sống xa nhà hay khóc là một chuyện, nhiều em chưa nói được tiếng phổ thông nên việc giao tiếp rất khó khăn. Song tập thể cán bộ, giáo viên đều thấu hiểu tâm lý của con trẻ để có biện pháp giáo dục phù hợp, vừa dạy vừa dỗ, dần dần các con quen nền nếp thì việc tổ chức các hoạt động, phong trào rất tốt. Nhờ dạy học theo mô hình bán trú này mà HS đi học đầy đủ, duy trì sĩ số 100%.

Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng có 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2022-2023, Trường có 15 lớp và 268 HS, 223 em là người dân tộc thiểu số. Trong số này có 98 em đang ở bán trú và được hỗ trợ theo Nghị định số 116-NĐ/CP của Chính phủ, được hỗ trợ 15kg gạo/tháng, các chi phí học tập…

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện về phòng học, cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức dạy 2 buổi/ngày, xây dựng thời khóa biểu phù hợp với HS.

Đối với HS dân tộc thiểu số học bán trú, ngoài giờ học chính khóa, giáo viên hướng dẫn học, ôn bài vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5. Ngoài ra, các em còn được tăng cường tiếng Việt qua các hoạt động vui chơi sau giờ học buổi tối. Nhờ vậy chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thời gian HS đến trường học trực tiếp ít hơn, nhưng bằng nhiều giải pháp, Nhà trường vẫn duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Trường có 14 HS đạt giải trong các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, trong đó có 3 HS ở nội trú. Cuối năm học, Nhà trường vinh dự được UBND tỉnh công nhận là Tập thể lao động xuất sắc.

Hằng Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: