Tạo sự công bằng trong giáo dục
Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng điểm trường mầm non tại xóm Ngọc Sơn 2, xã Thần Sa (Võ Nhai). |
Khe Rịa, Khe Cái, Na Cà, Tân Kim, Bản Chấu, Tiên Sơn, Khuôn Ruộng, Đông Bo... là những xóm, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thuộc huyện vùng cao Võ Nhai. Để đến được các xóm, bản này phải vượt qua nhiều con dốc cao đến tức thở, men theo những con suối vắt ngang rừng. Vậy mà các thầy, cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn để mang cái chữ đến với dân bản. Điều vui mừng nhất là những khó khăn do thiếu cơ sở vật chất dạy học đã được gỡ “nút thắt” khi mới đây, UBND tỉnh quyết định đầu tư xây dựng công trình cấp bách xóa 33 phòng học tạm trên địa bàn 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học ở những vùng đất còn nhiều gian khó, tạo sự công bằng trong giáo dục.
Cùng đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tiến độ xây dựng các công trình cấp bách xóa phòng học tạm trên địa bàn huyện Võ Nhai, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn trong việc dạy và học nơi đây. Điểm đầu tiên đoàn đến là điểm trường xóm Khe Rịa của Trường Tiểu học xã Vũ Chấn. Bên cạnh khu lớp học mầm non đã được kiên cố hóa, việc xây dựng khu nhà lớp học của điểm trường tiểu học đang được tiến hành rất khẩn trương.
Ông Vũ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng số II Thái Nguyên - đơn vị thi công công trình - cho biết: Công trình này được khởi công ngày 8-1-2017, theo kế hoạch đề ra thì phải hoàn thành trong vòng 90 ngày. Vì thế, ngay từ ngày 2-2 (mùng 6 Tết), chúng tôi đã tập hợp nhân lực bắt tay vào thi công để bảo đảm đúng tiến độ cũng như chất lượng công trình. Địa hình ở đây là đồi núi cao, đường sá đi lại rất khó khăn, vì vậy việc vận chuyển, tập kết vật liệu và đưa máy móc vào thi công khá vất vả. Song, anh em công nhân được bà con nơi đây tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công nên đơn vị quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ… Điểm trường tiểu học xóm Khe Rịa được đầu tư xây dựng 3 phòng học với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.
Rời Khe Rịa, chúng tôi đến điểm trường tiểu học ở bản Khe Cái, xã Vũ Chấn. Điểm trường này có 2 lớp học ghép (một lớp ghép trình độ lớp 1 và lớp 3, một lớp ghép trình độ lớp 4 và lớp 5). Để có mặt bằng thi công, cả 2 lớp học này được dồn vào 1 phòng học tạm rộng chưa đầy 20m2, che chắn bởi những mảnh gỗ, mái lợp lá cọ, trong phòng có tới 4 cái bảng và 4 dãy bàn học quay 4 góc. Được biết, Trường Tiểu học Vũ Chấn hiện có 23 lớp học, trong đó có 5 lớp ghép 2 trình độ. Ngoài khu trung tâm xã tại xóm Na Giang, trường có 6 điểm lẻ nằm ở các xóm, bản như: Khe Rịa, Khe Rạc, Khe Cái, Đồng Đình, Na Cà, Cao Sơn. Lớp học ở các điểm trường phần lớn là phòng học tạm. Trong tổng số 33 phòng học tạm được xây dựng lần này, nhà trường được đầu tư xây 5 phòng học ở 3 điểm trường. Đây là cơ sở để nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy, duy trì và công nhận lại danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia trong năm nay.
Rời Vũ Chấn, chúng tôi đi theo hình vòng thúng đến điểm trường ở Bản Chấu thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sảng Mộc, Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, xã Sảng Mộc, rồi vòng về các điểm trường mầm non ở 3 xóm Ngọc Sơn 1, Ngọc Sơn 2, Tân Kim của xã Thần Sa. Ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí làm việc khẩn trương của các nhóm thi công. Phần lớn các công trình đã xây dựng xong phần móng, đang lên tường hoặc chuẩn bị đổ mái. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thần Sa tại điểm trường xóm Tân Kim không giấu nổi niềm vui: Trường em có 210 cháu ở 13 nhóm lớp. Trường có tới 7 điểm lẻ ở các xóm, bản: Trung Sơn, Hạ Sơn, Ngọc Sơn 1, Ngọc Sơn 2, Xuyên Sơn, Tân Kim, Thượng Kim. Các điểm trường Tân Kim, Ngọc Sơn 1, Ngọc Sơn 2 đều là phòng học tạm hoặc học nhờ tại nhà văn hóa xóm, vì thế rất khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động. Những khi bà con họp xóm, Trường phải cho các em nghỉ học. Thật vui mừng cho cô, trò chúng em là trong Dự án xây dựng công trình cấp bách xóa phòng học tạm, Nhà trường được đầu tư xây dựng 5 phòng học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là thu hút được các cháu ra lớp đúng độ tuổi.
33 phòng học tạm được xây dựng mới đợt này đều nằm ở các xóm, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đây là những điểm trường “nhiều không”: Không điện, không nước, không có khu vệ sinh, sân chơi, bãi tập nhỏ hẹp, trang thiết bị dạy và học không được trang bị đầy đủ.Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT hiện nay, nếu cơ sở vật chất ở những điểm trường lẻ vẫn nằm trong tình trạng xuống cấp, thiếu thốn thì việc nâng cao chất lượng dạy và học ở những vùng sâu, xa rất khó khăn. Vì vậy, với sự tham mưu tích cực của Sở GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất chỉ đạo và tạo điều kiện ưu tiên nguồn vốn để Sở làm chủ đầu tư xây dựng các công trình cấp bách thay thế toàn bộ 33 phòng học tạm với tổng kinh phí dự kiến là 20,5 tỷ đồng (gồm 31 phòng học ở huyện Võ Nhai và 2 phòng học ở huyện Đồng Hỷ). Mặc dù thời gian rất gấp rút, nhưng do tính cấp bách của dự án, Sở GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị tư vấn, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, xã có công trình để tiến hành khảo sát thiết kế, trình các sở ngành liên quan thẩm định, phê duyệt đầu tư cũng như tổ chức lựa chọn nhà thầu để xây dựng công trình. Với sự đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, các nhà thầu xây dựng đều thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
Theo thống kê của ngành Giáo dục hiện toàn tỉnh còn 2.981 phòng học bán kiên cố, phòng tạm, học nhờ (chiếm 35,61%). Cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các điểm trường lẻ còn rất khó khăn. Việc tỉnh quyết định đầu tư xây dựng công trình cấp bách xóa 33 phòng học tạm cho 11 trường mầm non, tiểu học của 2 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nguyện vọng học tập chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn góp phần không nhỏ tạo tiền đề cho các em học sinh vùng cao có cơ hội tiếp cận và học tập ngang bằng với trẻ em miền xuôi.