Thực hiện hiệu quả chính sách với học sinh dân tộc thiểu số

Cập nhật: Thứ năm 06/10/2022 - 07:50
 Ngoài giờ học, học sinh Trường PTDTNT THCS Phú Lương cùng thầy cô trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn.
Ngoài giờ học, học sinh Trường PTDTNT THCS Phú Lương cùng thầy cô trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Những năm qua, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới, quy mô trường lớp được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập; duy trì đảm bảo 8% học sinh (HS) người DTTS được học ở các trường dân tộc nội trú.

Chị Trần Thị Vinh, ở xóm Cây Thị, xã Yên Lạc, có con học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Phú Lương, chia sẻ: Các cháu còn nhỏ, xa nhà thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nhưng được các thầy cô đùm bọc, chăm lo như con em mình nên chúng tôi rất yên tâm. Con tôi học ở đây được “bao cấp” hoàn toàn từ ăn ở, đến chi phí học tập… Đặc biệt ở nội trú, các cháu được rèn ý thức tổ chức kỷ luật nên về nhà rất tự giác trong mọi việc, biết đỡ đần bố mẹ.

Theo cô giáo Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Phú Lương: Hằng năm Trường được giao tuyển sinh 90 chỉ tiêu, tương đương 3 lớp. Các HS chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, hiện có 2 HS dân tộc Ngái (dân tộc ít người). Với những chính sách ưu đãi, tỷ lệ HS các cấp đi học đều bảo đảm 100% đúng độ tuổi và hầu như không còn tình trạng HS bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là huy động 8% HS người DTTS được học ở các trường dân tộc nội trú, những năm qua, tỉnh đã đầu tư có trọng điểm đối với hệ thống các trường PTDTNT, phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).

Toàn tỉnh đã xây dựng được 6 trường PTDTNT, trong đó có 1 trường PTDTNT cấp THPT tại TP. Thái Nguyên và 5 trường cấp THCS ở các địa phương: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương và Đại Từ.

Giờ tự học của học sinh Trường PTDTNT THCS Phú Lương.

Cùng với đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 10 trường PTDTBT ở các xã có đông đồng bào DTTS. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp hệ thống trường PTDTNT toàn tỉnh là trên 201 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 16 tỷ đồng; vốn tài trợ 8 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh trên 177 tỷ đồng).

Nhờ có hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT, chất lượng giáo dục HS DTTS có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ huy động HS trong độ tuổi ra lớp tăng, tỷ lệ HS bỏ học giảm; môi trường học tập ở trường đã giúp HS DTTS tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt, công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS có chất lượng.

Cùng với việc xây dựng mở rộng quy mô, thu hút HS DTTS vào học trong các trường PTBTNT, PTDTBT, ngành Giáo dục còn thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ gạo cho HS theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ. Riêng năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 3.400 HS được cấp phát hơn 457 tấn gạo đến tận trường học. Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023 dự kiến có 3.600 HS được hỗ trợ với số lượng 486 tấn gạo.

Nhiệm vụ, giải pháp mà ngành Giáo dục đề ra đối với chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2021-2025 là: Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường PTDTNT, duy trì tỷ lệ 8% học sinh DTTS được học tại các trường dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú theo hướng hiện đại. Hiện nay, Ngành đang tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, nhu cầu về cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học…

Hằng Nga
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: