Từ đam mê nghiên cứu khoa học đến công bố quốc tế

Cập nhật: Thứ năm 29/04/2021 - 15:01
 PGS,TS Chu Việt Hà (thứ 3 từ trái sang) làm việc cùng đồng nghiệp và các sinh viên, nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm.
PGS,TS Chu Việt Hà (thứ 3 từ trái sang) làm việc cùng đồng nghiệp và các sinh viên, nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm.

“Trong cuộc sống, mỗi một sự thành công đều bát nguồn từ sự đam mê. Điều kiện học tập và môi trường làm việc đã cho tôi những cơ hội tốt để tiếp sức cho sự đam mê nghiên cứu khoa học ngành Vật lý”. Đó chính là chia sẻ PGS.TS Chu Việt Hà, Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) - một trong những nhà khoa học nữ trẻ tuổi trong lĩnh vực Vật lý chất rắn, vật liệu Nano.

Liên tục từ năm 2004 đến nay, PGS.TS Chu Việt Hà đã chủ trì và phối hợp thực hiện 39 đề tài, hội thảo khoa học Quốc gia và Quốc tế; công bố 8 bài báo khoa học, trong đó trong đó có 1 công bố ISI Q2 và 1 công bố SCI mức Q1. Hiện PGS.TS Chu Việt Hà đã và đang trực tiếp chủ trì và tham gia thực hiện 4 đề tại cấp Quốc gia, đề tại cấp Nhà nước thuộc Quỹ NAFOSTED và 1 đề tài cấp Đại học.

Chưa đến 35 tuổi, giảng viên Đại học Sư phạm Chu Việt Hà đã được Hội đồng chức danh khoa học Nhà nước bổ nhiệm Phó Giáo sư. Trước đó khi chớm bước sang tuổi 30, giảng viên Chu Việt Hà đã xuất sắc bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tiếp chúng tôi tại gian phòng làm việc mộc mạc với vài chiếc ấm tích cổ, bình lọ thủy tinh, mô hình dạy học chuyên ngành Vật lý ứng dụng..., chị say sưa nói về công tác nghiên cứu của mình: Tôi làm nghiên cứu về chất liệu Nano - vật liệu mới. Từ thế kỷ X, hạt Nano đã được con người sử dụng, chế tạo ra các vật liệu Nano ví dự như thủy tinh, gốm sứ với đa dạng kích thước, màu sắc khác nhau… nhưng lại không hề biết về nó. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI, công nghệ Nano được phát hiện và phát triển với hàng loạt các thiết bị phân tích được sáng tạo ra. Nổi bật là kính hiển vi đầu dò quét có khả năng quan sát đến kích thước hàng nguyên tử hay phân tử. Vì vậy tôi để những vật dụng như trên trong phòng với ý niệm về lịch sử cấu tạo chất, chứ không phải biểu tượng hay gợi mở điều gì cho nghiên cứu khoa học... Nhưng những vật dụng đó lại là tiền đề thôi thúc tôi nghiên cứu sâu về Nano.

Khác với những đề tài khoa học mang tính ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống thường ngày, nghiên cứu về Vật lý chất rắn là những nghiên cứu khoa học cơ bản. Và với PGS,TS Chu Việt Hà, điều thôi thúc chị đam mê chính là luôn tìm hiểu những cái mới và luận giải đến cùng bằng khoa học. Chị chia sẻ: “Với nghiên cứu khoa học, không phải các ứng dụng đều có thể đem đến những thay đổi ngay và luôn cho cuộc sống, mà trách nhiệm của khoa học chính là luận giải và nhận định xu hướng phát triển. Với tôi, nghiên cứu khoa học là để tìm ra những hướng đi với đích đến luôn là những điều mới mẻ”.

Chính sự đam mê đó đã từng có những thời điểm PGS,TS Chu Việt Hà làm việc quên thời gian. Chị nhớ lại, đã có thời điểm, một tay bế con nhỏ, một tay làm thí nghiệm và từ sáng đến tối nhốt mình trong phòng thí nghiệm. Hai lần sinh con, thì khi các cháu chưa tròn 1 tuổi chị phải “ủy nhiệm” cho chồng chăm sóc để đến với các môi trường học tập tiên tiến ở Pháp, Niu- Di-Lân... Sau mỗi chuyến “tầm sư học đạo”, không chỉ đong đầy thêm hành trang về tri thức cho mình mà chị còn góp phần đưa tiếng nói của nhà khoa học từ Đại học Thái Nguyên đến với giới nghiên cứu khoa học trên thế giới và đều được các học giả ghi nhận, đánh giá cao. Không khó để tìm kiếm trên Internet những từ khóa liên quan đến tác giả Chu Việt Hà, như: Nghiên cứu hiệu ứng truyền năng lượng giữa các hạt Nano quang; nghiên cứu, chế tạo chấm lượng tử bán dẫn CdS, CdSe trong môi trường citrate nhằm ứng dụng đánh dấu huỳnh quang y sinh; nghiên cứu các quá trình động học laser tử ngoại sâu (<200nm), băng hẹp, phát xung cực ngắn; Nghiên cứu động học phát quang của các hạt Nano cho ứng dụng đánh dấu sinh học; Các phương pháp quang tử nghiên cứu tương tác của các phân tử sinh học được đánh dấu bằng các vật liệu nano quang định hướng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư; Chế tạo và nghiên cứu tính chất quang của các hạt Nano bán dẫn cho ứng dụng đánh dấu sinh học...

Đến thời điểm hiện tại, các công bố quốc tế của PGS,TS Chu Việt Hà đã đạt mức chỉ số trích dẫn 9% trong các đề tài khoa học ứng dụng khác trên thế giới. Có lẽ đó chính là những giá trị về nghị lực lao động không ngừng nghỉ và sự hy sinh thầm lặng cống hiến cho khoa học mà nhà khoa học nữ Chu Việt Hà đã và đang theo đuổi. Những thành công đó cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần kiến tạo nên giá trị của đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

 

Trần Nguyên
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: