An toàn phải là số một
Việt Nam hiện có khoảng 750km cao tốc, nhưng chưa có trạm cấp cứu nào trên các tuyến này. |
Đề cập đến Thông tư số 49 của Bộ Y tế về xây dựng hệ thống trạm cấp cứu trên cao tốc, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cho rằng, cần sửa đổi một số quy định để sát với thực tế.
Bởi, thực tế việc sơ, cấp cứu ban đầu cho nạn nhân TNGT tại Việt Nam còn nhiều yếu kém, đa phần nạn nhân không được chuyển đến bệnh viện trong “thời gian vàng”. Nhất là với các tuyến cao tốc, quãng đường di chuyển xa hơn nên tình trạng bệnh nhân thêm nghiêm trọng, khả năng cứu sống bị giảm đáng kể.
Ở chiều ngược lại, không ít người bày tỏ quy định trên của Bộ Y tế rất khó khả thi. Trước đây, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ cũng quy định bắt buộc các trạm dừng nghỉ trên cao tốc phải có nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu TNGT. Nhưng hầu hết các tuyến cao tốc, dù hiện đại nhất hiện nay cũng không thực hiện được. Lý do theo các chủ đầu tư, một phần do thiếu kinh phí. Nhưng nguyên nhân chính là đầu tư sẽ gây tốn kém và lãng phí. Các tuyến cao tốc hiện nay đều được đầu tư khá hiện đại, an toàn hơn rất nhiều so với các tuyến đường khác. Có khi nhiều tháng liền không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào.
Thêm nữa, Thông tư 49 của Bộ Y tế quy định, nguồn kinh phí để duy trì do người bệnh chi trả là không thực tế. Để đầu tư một trạm cấp cứu hàng chục tỷ đồng, kinh phí duy trì máy móc, thiết bị, nhân lực, y bác sỹ trực cũng cần số tiền không nhỏ. Nếu cả năm trời không sử dụng sẽ rất lãng phí.
Tuy nhiên, dù đồng tình hay phản đối, đa phần các ý kiến đều cho rằng, chất lượng dịch vụ của một con đường, nhất là đường cao tốc thì an toàn phải luôn là số một. Dù hiện đại đến mấy, nhưng thiếu an toàn sẽ làm giảm hiệu quả khai thác của đường cao tốc. Sau hơn 10 năm nỗ lực huy động vốn đầu tư, Việt Nam đã đưa vào khai thác khoảng 750km đường cao tốc. Đây được xem là những con đường “đại lộ - đại phú” và kỳ vọng là động lực thúc đẩy giao thương, tạo đà đưa đất nước phát triển. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 2.000km đường cao tốc, chính vì vậy, việc có cơ chế phù hợp để cấp cứu sớm, hiệu quả nhất các nạn nhân TNGT cần được ưu tiên hàng đầu.
Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Singapore, Mỹ, châu Âu... tiêu chuẩn cao tốc của họ yêu cầu rất khắt khe. Các tuyến cao tốc đều phải có hệ thống camera giám sát trực tuyến, được lắp đặt hệ thống GPS và Trung tâm cấp cứu 115. Trên cơ sở này, trung tâm điều phối đường cao tốc sẽ điều động lực lượng cấp cứu mỗi khi có TNGT trên đường cao tốc một cách nhanh và hiệu quả nhất. Việc này hoàn toàn có thể triển khai tại các tuyến cao tốc ở Việt Nam.