Băn khoăn xử phạt người đi bộ trái luật
Người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định tại khu vực đường Giải Phóng (Hà Nội). |
Qua hơn bốn tháng triển khai xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều ý kiến bạn đọc còn băn khoăn khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, ý thức người dân còn hạn chế, một số quy định liên quan chưa thống nhất... dẫn đến việc xử phạt còn nhiều bất cập.
Từ ngày 1-2-2016, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra xử phạt những người đi bộ không chấp hành Luật Giao thông đường bộ... Trong đợt cao điểm này, cơ quan Công an đã xử lý hơn 500 trường hợp người đi bộ sai quy định, chủ yếu vi phạm các lỗi: Sang đường không đúng nơi quy định; mang vác hàng cồng kềnh; đi không đúng phần đường.
Theo đánh giá chung, hiện nay ý thức tham gia giao thông của phần lớn người dân còn nhiều hạn chế, vẫn còn thói quen tùy tiện qua đường, không tuân thủ các quy tắc giao thông. Tình trạng người đi bộ vô tư qua đường bộ, đường sắt, ngay trước đầu xe, tiện đâu qua đấy, thản nhiên đi dưới lòng đường... diễn ra khá phổ biến. Nhất là vào giờ tan tầm, khi mật độ ô-tô, xe máy di chuyển dày đặc, phải nhích từng chút một, lẽ ra phải đi lên trên lối có kẻ vạch dành cho người đi bộ, nhưng nhiều người vẫn đi tắt băng qua gầm cầu (dải phân cách trồng cây cảnh dưới gầm cầu) để sang đường, len lỏi bước qua đầu xe đang chờ đèn đỏ. Hay tại các ngã tư đông đúc, mặc dù đã có vạch sơn kẻ đường quy định rõ ràng vị trí dành cho người đi bộ khi các phương tiện dừng đỗ, song thay vì chấp hành quy định, không ít người dân mặc nhiên đi dưới lòng đường thậm chí chạy cắt mặt dòng phương tiện đang lưu thông.
Ghi nhận tại các tuyến phố nằm trong khu vực 36 phố phường thuộc quận Hoàn Kiếm, việc đi bộ trái luật của người dân cũng khá phổ biến. Với đặc thù là những tuyến phố cổ, diện tích lòng đường nhỏ, vỉa hè chật hẹp lại bị hàng hóa “bao vây” cho nên việc đi bộ của du khách, người dân gặp nhiều khó khăn. Một số tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang... có diện tích vỉa hè khá rộng nhưng người dân thay vì đi trên vỉa hè lại vô tư đi xuống lòng đường; thậm chí sang đường tùy tiện, bất kể lúc nào có nhu cầu là chạy sang đường hoặc dừng lại mua bán, trao đổi hàng hóa ngay dưới lòng đường. Qua khảo sát, người đi bộ trái luật không chỉ tập trung ở các tuyến phố cổ, những khu vực vui chơi, các địa điểm danh thắng…, mà người đi bộ vi phạm luật trên tất cả các cung đường, tuyến phố, cổng nhà ga, bến xe hay bệnh viện.
Trên đường Giải Phóng đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, dù cách đó không xa là một cầu vượt dành cho người đi bộ nhưng người dân lại chọn cho mình một cách “sang đường” mạo hiểm hơn rất nhiều là đi… dưới lòng đường. Với cùng một câu hỏi, khảo sát với nhiều người rằng vì sao không đi lên cầu vượt dành cho người đi bộ, thì chúng tôi đều nhận chung một câu trả lời hồn nhiên và thiếu trách nhiệm: “cho nhanh, cho tiện”. Tại các cổng trường học, việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ liên quan người đi bộ chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên.
Thực tế cho thấy, việc xử phạt người đi bộ sai phần đường là điều cần thiết, để mỗi người tự nâng cao ý thức tuân thủ các quy định, nhằm giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông cho chính họ và cho những người tham gia giao thông khác. Song, trong quá trình triển khai không ít ý kiến cho rằng việc xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập, gây phiền hà, khiến cho chính bản thân người dân, người đi bộ muốn thực hiện đúng luật cũng khó. Nguyên do, hiện nay, vỉa hè dành cho người đi bộ bị buông lỏng công tác quản lý, bị chiếm dụng vô tội vạ. Không ít tuyến phố, phần đường dành cho người đi bộ đã bị thương mại hóa, trở thành tổ hợp kinh doanh ẩm thực, buôn bán, trông giữ phương tiện, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông.
Ngay tại khu vực trước cổng Bệnh viện Việt - Đức, vỉa hè nơi đây đã bị tận dụng làm bãi trông giữ phương tiện. Ít nhất ba hàng xe máy được xếp tràn trên vỉa hè từ ngã tư phố Phủ Doãn - Tràng Thi đến quá cổng bệnh viện đã chiếm trọn lối đi của người đi bộ. Do vậy, người dân, người bệnh... không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải đi xuống lòng đường để ra vào bệnh viện mà không thể biết trước được nguy hiểm có thể xảy ra lúc nào.
Chị Nguyễn Thị Huyền, ở phố Phủ Doãn (Hà Nội), nói: Việc điều chỉnh hành vi người đi bộ cho đúng lộ trình và luật lệ là điều cần thiết nhưng trước khi đưa quy định này vào cuộc sống cần có những bước chuẩn bị. Tức là phải “mở lối” cho người đi bộ. Theo tôi, trước hết phải xử lý người lấn chiếm vỉa hè, dành lối thông thoáng cho người đi bộ rồi mới tính đến việc xử lý người đi bộ vi phạm”.
Để thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, thiết nghĩ cùng với việc tuyên truyền nhắc nhở, xử phạt để người dân tự nâng cao ý thức chấp hành, ngành chức năng TP Hà Nội cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại đầu tư đồng bộ hạ tầng cho người đi bộ, nhanh chóng dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang diễn ra trên rất nhiều tuyến phố, để trả lại lối đi, không gian cho người dân.