Chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường: Tìm lời giải cho “bài toán” khó
Biết sai vẫn vi phạm (Bài 1)

Cập nhật: Thứ hai 25/07/2016 - 16:01
 Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để bán hàng diễn ra thường xuyên tại đường Bến Oánh; khu vực đầu cầu Mây thuộc xã Xuân Phương, Phú Bình.
Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để bán hàng diễn ra thường xuyên tại đường Bến Oánh; khu vực đầu cầu Mây thuộc xã Xuân Phương, Phú Bình.

Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ đã và đang xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, đồng thời gây mất mỹ quan và gây bức xúc trong xã hội. Nhằm lập lại trật tự, các cấp, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả thu được chưa tương xứng. Vậy đâu là những nguyên nhân sâu xa và các giải pháp khả thi để giải quyết dứt điểm tình trạng vẫn được ví như “câu chuyện không có hồi kết” này?

Trên các tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn, đường tỉnh, đường huyện quản lý, nhất là tại các đô thị, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ (ATĐB), thậm chí cả lòng đường. Hầu hết người vi phạm đều nhận thức được việc làm trái pháp luật của họ và thường viện đủ lý do.

 

Tại T.P Thái Nguyên

 

Đoạn đường Bến Oánh, khu vực gần chợ Thái và chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) từ lâu đã “nổi tiếng” theo cách bất đắc dĩ bởi tình trạng người dân thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh. Vào các buổi chiều hằng ngày, đặc biệt là khoảng thời gian từ 17 giờ đến 19 giờ, khu này thực sự biến thành chợ. Người mua, người bán dừng đỗ xe ngay dưới đường để chọn hàng, ngã giá, mặc tiếng còi xe liên hồi. Đường hẹp, vỉa hè cũng hẹp, giờ tan tầm mật độ giao thông ở đây lớn khiến không gian càng bức bối.

 

Những người kinh doanh tại khu vực này chủ yếu là bán hàng rong nhỏ lẻ, hàng hóa thường được đặt trong thúng, mẹt, trên đôi quanh gánh, hoặc để nguyên trên giá xe máy, xe đạp nhằm… di tản nhanh chóng khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng. Một người phụ nữ bán rau (nhà ở xã Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên) nhất định không cho biết tên tuổi, nói dè dặt: Tôi biết bán hàng ở đây là vi phạm hành lang an toàn giao thông nhưng cực chẳng đã vì không có nghề gì khác. Vào chợ thì phí cao mà người mua cũng ít hơn. Dạo này đội trật tự làm mạnh lắm, phải để đồ trong thúng mà bưng chạy mới kịp, họ đi thì mình lại mang ra bán cho hết hàng… Cũng bán rau gần đó, bà Đỗ Thị Thiện (ở xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn, Đồng Hỷ), chia sẻ “vô tư” hơn: Rau nhà cô trồng mà, đến lứa lại mang sang đây bán, mỗi ngày cả vốn lẫn lãi không đến 100 nghìn đồng. Đội trật tự đi dẹp nhưng chắc thấy mình già cả nên họ cũng nhẹ tay hơn, chủ yếu là nhắc nhở chứ ít khi thu giữ hàng. Tầm này hầu như ngày nào họ cũng đến dẹp hành lang.

 

Mỗi khi lực lượng của Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông T.P Thái Nguyên đến giải tỏa, nhiều tiểu thương nháo nhác tìm chỗ lẩn trốn và tẩu tán hàng hóa, mắt nhìn trước ngó sau, có người vẫn “tranh thủ” bán hàng. Cũng như mọi ngày, Đội nhắc nhở, cảnh cáo những người bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường, lập biên bản tạm giữ một số tang vật vi phạm rồi lại phải di chuyển đến “điểm nóng” khác. Khi họ vừa quay lưng, hiện trạng dần dần trở lại gần như cũ.

 

Sau “đầu bảng” đường Bến Oánh, trên địa bàn T.P Thái Nguyên còn nhiều khu vực thường xuyên xẩy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Các điểm này được UBND thành phố chỉ ra cụ thể, chỉ đạo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Điển hình như: phường Quang Trung có 8 tuyến đường và địa điểm; phường Trưng Vương 8; phường Phan Đình Phùng 6; phường Thịnh Đán 5; phường Đồng Quang 3; phường Tân Thịnh 3; phường Hoàng Văn Thụ 5…

 

Và ở nhiều địa phương khác

 

Không chỉ ở đô thị trung tâm, tại các địa phương khác, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp tình trạng người dân lấn chiếm hành lang ATĐB, đặc biệt là lòng, lề đường để bán hàng, tập kết vật liệu xây dựng, phơi nông sản, rửa xe, dựng biển quảng cáo, xây dựng lều lán, mái vảy, thậm chí là nhà ở trái phép. Địa phương nào cũng tồn tại những “điểm nóng” như vậy, có thể kể đến như: dọc tuyến Quốc lộ 37 qua địa bàn huyện Phú Bình có khu vực chợ Thượng Đình, xã Điềm Thụy, đầu cầu Mây, cầu Ca, thị trấn Hương Sơn, cổng các nhà máy may; huyện Phú Lương có khu vực xã Sơn Cẩm cạnh Quốc lộ 3 cũ, thị trấn Giang Tiên, thị trấn Đu, xã Yên Đổ; huyện Đồng Hỷ có điểm cạnh chợ Quang Sơn, gần trụ sở thị trấn Sông Cầu; huyện Võ Nhai dọc Quốc lộ 1B có khu vực xã La Hiên, xã Lâu Thượng, thị trấn Đình Cả; huyện Định Hóa có ngã 3 Quán Vuông; thị xã Phổ Yên có nhiều điểm dọc Quốc lộ 3 cũ, gần nhà máy trong các khu công nghiệp…

 

Khu vực ngã ba đầu cầu Mây thuộc xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương (Phú Bình) từ lâu được người dân quen gọi là “chợ”. Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở đây để bán hàng diễn ra hàng ngày. Người dân chủ yếu bán các loại nông sản tự làm ra, mùa nào thức nấy đủ cả, cùng với đó cũng có không ít tiểu thương ở nơi khác đến đây kinh doanh. Càng chiều muộn, không khí mua bán càng sôi động như thể không ai còn ý thức rằng chỗ họ đang giao dịch là một con đường. Nhiều khi vào thời điểm xe đưa công nhân Samsung tan ca về đến, khu vực này đã xảy ra ách tắc, mất trật tự giao thông. Chị Dương Thị Thúy ở xóm Kiều Chính đã bán hàng ở đây liên tục 3 năm, giãi bày: Tôi ở nông thôn nhưng ít ruộng cấy lại không có nghề làm thêm nên đành ra đây kiếm chỗ bán hàng. Biết là vi phạm, sợ công an đến thu giữ hàng hóa và xử phạt nhưng không còn cách nào kiếm sống tốt hơn. Tôi rất mong muốn có chỗ kinh doanh đàng hoàng, hợp pháp để ổn định cuộc sống.

 

Cũng như chị Thúy và bà Đỗ Thị Thiện kể trên, vì mưu sinh, vì lợi ích trước mắt, nhiều người cố tình lấn chiếm lòng, lề đường để bán hàng hoặc sử dụng trái quy định vào những mục đích khác. Đây là một trong những thách thức, khó khăn cơ bản nhất đối với các cấp chính quyền và cơ quan liên quan trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng này. Những tháng gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và cấp ủy các cấp, các cơ quan và chính quyền nhiều địa phương đã thể hiện quyết tâm cao nhưng thực tế cho thấy kết quả vẫn còn “khiêm tốn”. Ngoài nguyên nhân từ phía người dân như vừa nêu thì còn nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác cần phải nhìn nhận, phân tích thấu đáo nhằm đưa ra các giải pháp bền vững. Chúng tôi sẽ đề cập đến những vấn đề này trong bài tiếp theo.
    

(Bài II: Không thể cứ “Ném đá ao bèo”)

Trần Quyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: