Cần có giải pháp tích cực kiềm chế tai nạn do xe container gây ra

Cập nhật: Thứ hai 14/09/2015 - 15:25
  Một vụ tai nạn do xe container gây ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Một vụ tai nạn do xe container gây ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, liên tiếp tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến xe container tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Công an phường, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành tuần tra kiểm soát, chốt chặn từ 21 giờ hàng ngày tại các tuyến đường có mật độ xe container tham gia giao thông cao.

Vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây thương vong cho nhiều người

 

Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam bao gồm những tỉnh, thành phố tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, cùng những cảng sông, cảng biển, cảng cạn, nhà ga, bến bãi… với mật độ dày đặc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An... Chính vì vậy, cần một lượng phương tiện vận tải tập trung tại khu vực này để vận chuyển hàng hoá, trong đó, xe container chiếm một số lượng tương đối.

 

Hàng ngày, trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội…, những đoàn xe container nối đuôi nhau chạy dài trên đường và nó thực sự đã nỗi "ám ảnh" của những người tham gia giao thông, với những tai nạn kinh hoàng...

 

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2015 đến nay, đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe container, làm chết 38 người và bị thương 8 người. Đại tá Trần Thanh Trà - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an thành phố Hồ Chí Minh) cho biết,  từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông của Thành phố đã xử lý trên 500 trường hợp xe container vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các lỗi như: Lưu thông không đúng phần đường, dừng đỗ sai quy định, lưu thông đường cấm …

 

Ông Phạm Văn Qui, cư trú ở phường Tân Phong, thành phố Biên Hoa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, hàng ngày phải di chuyển từ thành phố Biên Hoà tới khu công nghệ cao thuộc quận 9 (thành phố Hồ Chí Minh), phải đi trên xa lộ Hà Nội, chứng kiến cảnh xe container nối đuôi nhau vào cảng Cát Lái lấy hàng. Những chiếc xe loại này mỗi khi đi qua với tốc độ 40-50 km/h, người tham gia giao thông bằng xe gắn máy sẽ gặp phải khó khăn. Ông Qui cho biết thêm, nhiều khi, lái xe container dàn hàng ngang, nếu không có dải phân cách cứng, lái xe sẵn sàng vượt ẩu, chiếm sang cả làn đường của xe máy, rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

 

Là người chứng kiến không ít vụ tai nạn giao thông do xe container gây ra trên xa lộ Hà Nội, anh Lê Cao Long, người dân ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) bức xúc, có những vụ tai nạn giao thông do tài xế xe container thiếu ý thức, lấn tuyến, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chi còn gây tai nạn với hàng loạt xe đỗ phía trước khi đang dừng chờ đèn đỏ. Kinh nghiệm của anh Long khi đi trên các tuyến quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, hay những đường vành đai có nhiều xe container chạy qua, đó là chạy chậm mỗi khi có xe container đi cùng hay ngược chiều. Khi dừng đèn đỏ, cần quan sát phía sau và nên đỗ sát về phía bên phải đường, tránh những xe container đỗ sát ngay phía sau mình.

 

Tai nạn do xe container gây ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ và phía Nam xảy ra thường xuyên, liên tục. Có những vụ tai nạn do loại xe này gây ra làm chết liền một lúc nhiều người trong một gia đình. Không chỉ gây tai nạn trên đường khi đang tham gia lưu thông, xe container còn liên tục đâm nát dải phân cách, đâm đổ cột điện, đâm sập nhà dân, gây ra những thiệt hại về vật chất khá lớn.

 

Không chỉ gây tai nạn trên đường bộ, không ít xe container còn gây tai nạn trên đường sắt, gây thiệt hại lớn về vật chất và bị thương cho nhiều người. Trong tháng 6/2015, trên địa phận tỉnh Đồng Nai, xe container đã gây ra vụ tai nạn giao thông trên đường sắt.  Vụ tai nạn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hơn 3 tiếng. Nhiều hành khách đã phải đón taxi tiếp tục hành trình về Biên Hòa và thành phố Hồ Chí Minh.

 

Giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông do xe container gây ra

 

Trước tình trạng xe container liên tiếp gây tai nạn, đặc biệt là vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người chết ở quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp vận tải bằng container ở khu vực Đông Nam bộ để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Qua đối thoại, một số doanh nghiệp vận tải ở khu vực này đã thừa nhận, tình trạng thiếu lái xe có bằng lái xe container (bằng FC), chính vì vậy, đã buộc doanh nghiệp phải chấp nhận lái xe sử dụng bằng FC giả, thậm chí là sử dụng cả lái xe chỉ có bằng C là loại bằng lái xe tải thông thường để lái container.

 

Trong nhiều đợt khám sức khỏe cho lái xe của các doanh nghiệp vận tải, có sự phối hợp với ngành y tế, các địa phương cũng đã phát hiện không ít người có kết quả dương tính với ma túy. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì khi có chất kích thích, lái xe khó mà làm chủ được tốc độ. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn thảm khốc. Rõ ràng, doanh nghiệp biết rằng, sử dụng những lái xe bằng giả, lái xe nghiện ma túy nếu không may xảy ra tai nạn thì hậu quả rất khó lường, song chỉ vì lợi nhuận mà đã bỏ qua...

 

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp nào sử dụng lái xe nghiện ma túy và dùng bằng giả là chính là đang "tiếp tay" cho hành vi giết người.

 

Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính khiến xe container gây tai nạn nghiêm trọng là ý thức của lái xe kém. Bên cạnh đó  là do sức ép của công việc. Nhiều lái xe đã buồn ngủ trong khi đang điều khiển xe, gây ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Do khoán trắng, không khám sức khỏe định kỳ cho lái xe nên chuyện sử dụng ma tuý  của lái xe, chủ xe không biết. Đây là tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông của các xe container.

 

Để giảm thiểu tai nạn do xe container gây ra, nhiều địa phương đã đưa ra các biện pháp mạnh, trong đó, có việc siết chặt quản lý phương tiện trên và người điều khiển các phương tiện đó, như: Tại thành phố Hồ Chí Minh, các nhiều lực lượng trong và ngoài ngành như: Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Công an phường, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải)... sẽ tiến hành tuần tra kiểm soát, chốt chặn từ 21 giờ hàng ngày tại các tuyến đường có mật độ xe container tham gia giao thông cao, phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về điều kiện tham gia giao thông của phương tiện và người điều khiển phương tiện; các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở hàng quá tải, quá khổ.

 

Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của chủ phương tiện và lái xe, đặc biệt là phải sớm chấm dứt tình trạng "chạy đua" với thời gian và khối lượng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý những hành vi lái xe container chạy ẩu, chạy quá tốc độ, đe dọa tính mạng của mọi người tham gia giao thông.

 

Nhưng về lâu dài, để khắc phục triệt để tình trạng này, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp để bắt buộc các doanh nghiệp vận tải tuyển dụng lao động đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho chính doanh nghiệp và người đi đường. Đồng thời, cần quy định lái xe container phải kiểm tra sức khỏe định kỳ . Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp cố tình sử dụng lái xe có bằng giả hoặc lái xe nghiện ma túy thì cần phải có chế tài nghiêm như: Đình chỉ hoặc rút giấy phép kinh doanh vận tải.

 

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, tai nạn giao thông do lái xe container gây ra tăng cao là có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải và cả tài xế. Do vậy, doanh nghiệp vận tải cần trao đổi với tài xế về thực tế hiện nay, đồng thời rà soát về năng lực, kinh nghiệm của từng tài xế.

 

Tới đây, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam công khai toàn bộ danh sách những lái xe được cấp bằng FC từng khu vực để giúp doanh nghiệp tiện tra cứu hoặc tuyển dụng lao động, tránh gặp phải người sử dụng bằng giả. Bộ cũng tăng cường cho một số đơn vị tuần tra kiểm soát có đèn soi để dễ dàng phát hiện bằng giả. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở Giao thông vận tải địa phương cử thêm một số chuyên gia kinh nghiệm tham gia sát hạch, tập huấn cho doanh nghiệp vận tải container có nhu cầu./.


Nguồn: Báo điện tử ĐCSVN
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: