Cần đầu tư nhiều hơn cho công tác duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông

Cập nhật: Thứ sáu 15/03/2019 - 10:46
 Tỉnh lộ 265 đã xuống cấp một thời gian dài, nhưng đến năm 2018 Sở Giao thông - Vận tải mới bố trí được nguồn vốn để sửa chữa nhỏ (đoạn qua xã Bình Long, Võ Nhai).
Tỉnh lộ 265 đã xuống cấp một thời gian dài, nhưng đến năm 2018 Sở Giao thông - Vận tải mới bố trí được nguồn vốn để sửa chữa nhỏ (đoạn qua xã Bình Long, Võ Nhai).

Thời gian qua, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, dần hoàn thiện ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn quỹ duy tu, sửa chữa còn hạn chế khiến nhiều tuyến đường xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ tới việc giao thương hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 5.000km đường giao thông, trong đó, có hơn 300km Quốc lộ, hơn 370km đường tỉnh, còn lại là đường huyện và đường nông thôn. Hiện nay, Sở Giao thông - Vận tải được UBND tỉnh giao quản lý 19 tuyến đường tỉnh và 168km Quốc lộ do Trung ương ủy thác... Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Đối với hệ thống đường tỉnh, có nhiều tuyến được đổ bê tông nhựa cách đây gần 20 năm nên đã xuống cấp, như: Tỉnh lộ 261, 265, 266 và đường 263C nối Quốc lộ 37 đi Phục Linh - Tân Linh - Phú Lạc (từ tháng 1-2019 được nâng cấp thành đường tỉnh). Các tuyến có nhiều ổ gà, lề đường lún hơn so mặt đường đã ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, nguồn quỹ để duy tu, sửa chữa hằng năm chỉ đáp ứng được hơn 30% so với nhu cầu thực tế (nhu cầu sửa chữa đường hiện nay khoảng 300 tỷ đồng). Hiện nay, còn khoảng 148km đường tỉnh chưa được sửa chữa lớn theo định kỳ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, Sở Giao thông - Vận tải phân bổ nguồn vốn, lựa chọn để ưu tiên đầu tư sửa chữa những đoạn đường xuống cấp mang tính cấp thiết...

Cũng về vấn đề này, ông Hà Huy Giang, Trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Nguyên nhân xuống cấp của mạng lưới giao thông trong tỉnh là do thời gian xây dựng từ lâu và không có nguồn vốn đầu tư sửa chữa theo định kỳ, lưu lượng xe trọng tải lớn ngày càng tăng đã gây áp lực lên đường giao thông. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh có địa hình đồi núi nên thường xảy ra lũ quét gây hư hại đường... Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho các tác duy tu, sửa chữa thường xuyên của Trung ương chỉ đáp ứng sửa chữa được khoảng 20km/năm...

Tìm hiểu thực tế tại Tỉnh lộ 261 (T.X Phổ Yên - Đại Từ) chúng tôi nhận thấy, tuyến đường này dài gần 40km, đã xuống cấp khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng đến năm 2017 - 2018, tỉnh mới bố trí được kinh phí để sửa chữa nhỏ nên vẫn còn nhiều đoạn xuống cấp (đoạn đi qua xã Lục Ba, huyện Đại Từ), với nhiều ổ gà, ổ voi... Tỉnh lộ 265 (từ Đình Cả, huyện Võ Nhai đi Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) được trải nhựa đầu năm 2000, nhưng khoảng 4 năm nay, tuyến đường đã xuống cấp, mặt đường gồ ghề, xuất hiện nhiều ổ gà. Bên cạnh đó, do nhiều xe trọng tải lớn lưu thông qua đây nên đoạn từ xóm Làng Đèn đến xóm Làng Tràng (Tràng Xá) dài hơn 1km lề đường lún sâu hơn so với mặt đường, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, do không đủ nguồn vốn để tiến hành sửa chữa theo định kỳ nên cơ quan chức năng chỉ có thể sửa chữa nhỏ ở những đoạn đường bị hư hỏng nặng. Chính việc sửa chữa “đứt đoạn” như vậy nên sửa xong đoạn này, đoạn khác lại bị hỏng...

Hiện nay, việc duy tu, sửa chữa đường giao thông được thực hiện theo phân cấp quản lý (Sở Giao thông - Vận tải duy tư sửa chữa đường tỉnh, còn UBND các huyện quản lý các tuyến đường huyện). Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong biệc phân bổ nguồn vốn cho công tác duy tu, sửa chữa đường giao thông. Ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Võ Nhai chia sẻ: Do huyện không có quỹ bảo trì đường giao thông nên hơn 90% nguồn vốn duy tu, sửa chữa đều thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh... Nhiều tuyến đường đã xuống cấp, huyện đề nghị, xin kinh phí của tỉnh thực hiện đầu tư nhưng phải vài năm mới bố trí được nguồn vốn. Việc chậm sửa chữa là nguyên nhân chính khiến đường càng chóng hỏng. Chẳng hạn như, tuyến đường Thượng Nung - Sảng Mộc có một số đoạn xuất hiện ổ gà, ổ voi khoảng 3 năm nay, nhưng không có nguồn kinh phí để sửa chữa kịp thời nên đoạn đường ngày một xuống cấp. Vừa qua, huyện mới bố trí được kinh phí để sửa chữa...

Mạng lưới giao thông có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nhưng hiện nay, nhiều tuyến đường xuống cấp. Vì vậy, việc bố trí nguồn vốn hợp lý cho công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường theo định kỳ là điều cần thiết để nâng cao tuổi thọ đường, cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông...

Dương Hưng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: