Cảnh báo sạt lở đoạn cải dịch Quốc lộ 37

Cập nhật: Thứ sáu 20/07/2018 - 16:37
 Một số điểm taluy trên đoạn Quốc lộ 37 cải dịch trong mùa mưa năm 2017 đã xảy sạt lở.
Một số điểm taluy trên đoạn Quốc lộ 37 cải dịch trong mùa mưa năm 2017 đã xảy sạt lở.

Trước nhu cầu về mặt bằng để xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đã đề nghị với Bộ Giao thông - Vận tải và các cấp có thẩm quyền cho phép cải dịch Quốc lộ 37 đoạn từ xã Hà Thượng đến thị trấn Hùng Sơn của huyện Đại Từ với chiều dài trên 3,4km (từ km 147+745 đến km 151+230)...

Đề nghị này đã được Bộ Giao thông – Vận tải chấp thuận và Dự án cải dịch Quốc lộ 37 chính thức khởi công xây dựng từ tháng 3-2013 với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng (Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo chi trả toàn bộ chi phí). Sở Giao thông - Vận tải được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư Dự án này. Sau hơn 2 năm thi công, Dự án cải dịch Quốc lộ 37 đã cơ bản hoàn thành, chính thức thông xe vào quý I-2015.

Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn kinh phí nên việc hạ thấp độ dốc, mở rộng hành lang, cắt cua chưa được thực hiện triệt để theo thiết kế nên 3,4km cải dịch Quốc lộ 37 luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đặc biệt là đoạn đường cải dịch này đi qua đồi núi nên có nhiều chỗ taluy dựng đứng cao tới vài chục mét. Chính vì vậy, vào mùa mưa, người tham gia giao thông không dám hoặc hạn chế qua lại đoạn đường này vì sợ sạt lở. Những người có việc gấp thì thường đi tránh sang tuyến đường qua xã Tân Thái, qua hồ Núi Cốc về T.P Thái Nguyên và ngược lại.

Cử tri Đồng Quang Nghị ở thị trấn Hùng Sơn phản ánh: Từ khi đoạn đường cải dịch thông xe, người tham giao thông bớt khổ vì chuyện ùn tắc, bụi bẩn khi đi qua đoạn Quốc lộ 37 cũ nhưng lại lo lắng chuyện mất an toàn khi đi qua đoạn đường cải dịch. Khi đi qua đoạn Quốc lộ 3 cải dịch thuộc địa phận thị trấn Hùng Sơn vào ngày mưa, người tham gia giao thông vừa phải quan sát mặt đường vì lên, xuống đèo, vừa phải quan sát taluy hai bên đường vì có nhiều vị trí đá tảng bị bài mòn có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Đây là đoạn đường được xây dựng trên cơ sở đào đắp đối với những đoạn qua các khe hẹp và taluy đào qua những đồi dốc cao nên chỗ là khe sâu hun hút nên chẳng may lao phương tiện xuống đó thì chỉ có mất mạng. Riêng phía đồi núi do vướng mắc về mặt bằng nên chủ đầu tư mới chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng theo hiện trạng sẵn có, dẫn tới độ dốc taluy chưa đúng thiết kế, chưa có rãnh đỉnh thu nước. Trên một số điểm nguy cơ sạt lở đoạn Quốc lộ 37 cải dịch còn có cả đường điện cao thế nên người tham giao thông càng lo ngại.

Đứng trước nguy cơ sạt lở, mất an toàn tại đoạn đường cải dịch Quốc lộ 37 qua khu vực mỏ của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, từ năm 2015 đến nay, chính quyền huyện Đại Từ đã đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra thực địa, có phương án đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, UBND huyện Đại Từ đã chỉ đạo các phòng chức năng, chính quyền thị trấn Hùng Sơn, xã Hà Thượng thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở taluy của đoạn cải dịch Quốc lộ 37  để kịp thời cảnh báo tới người tham gia giao thông, báo cáo tình hình với cơ quan chức năng. Về phía Sở Giao thông – Vận tải cũng đã có một số giải pháp như sửa chữa những điểm mặt đường bị bong tróc, nạo vét rãnh thoát nước hai bên, thu gom vật liệu tràn xuống đường khi có sạt lở… Song, việc đền bù để mở rộng hành lang đường, hạ thấp taluy hai bên vẫn chưa thực hiện được. Do vậy, mùa mưa năm 2018 mới bắt đầu nhưng sau những trận mưa kéo dài vài giờ đồng hồ, người tham gia giao thông trên đoạn cải dịch Quốc lộ 37 lại lo ngay ngáy chuyện xảy ra sự cố sạt lở.

Việc cải dịch Quốc lộ 37 để phục vụ dự án khai thác khoáng sản lớn nhất quốc gia, thu lợi ích về kinh tế là việc làm cần thiết. Song, những bất cập về chất lượng công trình của đoạn Quốc lộ 37 cải dịch qua khai trường này nên sớm được cấp có thẩm quyền và ngành chức năng quan tâm xử lý. Bởi đây là tuyến huyết mạch giao thông với lưu lượng phương tiện qua lại hàng ngày rất lớn và khi xảy ra sạt lở bất thường, với lượng đất đá lớn hậu quả sẽ rất khó lường.

Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: