Cảnh báo từ một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông chết người chiều 20-2, nhiều người dân vẫn vô tư đạp xe hoặc đi bộ ngược chiều để tập thể dục, bất chấp sự nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào từ các phương tiện tham gia giao thông. |
Không có phần đường dành cho người đi bộ nhưng lâu nay, nhiều người dân sống gần khu vực đường tránh T.P Thái Nguyên vẫn lấy đây là địa điểm để tập thể dục, nhiều người còn băng qua dải phân cách để sang đường bên kia… gây nguy hiểm cho chính họ cũng như người và phương tiện tham gia giao thông. Vụ tai nạn xảy ra ngày 20-2 thuộc địa phận xóm Nước 2, xã Quyết Thắng khiến một người tử vong là hồi chuông cảnh báo về sự bất chấp nguy hiểm này.
Có mặt tại địa điểm sau khi vụ tại nạn xảy ra được 2 ngày, chúng tôi thấy một số người vẫn vô tư đi bộ, chạy bộ, có người còn đạp xe ngược chiều, trong khi ngay cạnh đó là một lượng lớn ô tô đang chạy trên đường với tốc độ trăm km/h. Một người đàn ông trung tuổi đang đi bộ ngược chiều. Khi hỏi tại sao lại đi bộ trên đường cao tốc thì ông bảo: Chiều nào tôi cũng đi bộ ở đây, mình cứ đi vào tận mép đường là được, khi sang đường thì cố gắng quan sát, không thấy có xe mới qua… Nói rồi, người đàn ông này lại tiếp tục với việc tập thể dục của mình.
Trở lại với vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra ngày 20-2, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Mạnh Dương, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17 giờ 15 phút ngày 20-2-2016, xe ô tô taxi Hà Lan mang biển kiểm soát 20A-14.205 do lái xe Nguyễn Cao Cường, trú tại xóm 4, xã Phúc Hà điều khiển hướng Tân Tập - Tân Long đâm va vào một người dân đi bộ sang đường. Sau khi xảy ra tai nạn, lái xe đã không dừng lại mà cho xe chạy thẳng đến Công an T.P Thái Nguyên để khai báo sự việc. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do lỗi hỗn hợp: Người đi bộ sang đường ở khu vực không được phép sang, còn lái xe thì thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ (tại hiện trường không tìm thấy dấu vết của việc lái xe đã phanh xe) và không giữ nguyên hiện trường.
Theo phản ánh của một số người dân sống ở khu vực gần địa điểm xảy ra vụ tai nạn thì từ nhiều năm nay, khi con đường này được đưa vào sử dụng, chỉ trừ những ngày mưa gió, rét mướt, ngày nào cũng thế, nhiều người dân (già có, trẻ có) lại sử dụng phần rìa đường làm chỗ chạy bộ, đi bộ. Nhiều người còn băng qua dải phân cách để sang đường bên kia. Trong khi đó, phần đất dành làm dải phân cách cứng đó do lâu ngày, cây cối đã mọc um tùm nên khi có người đi ra từ đó, người điều khiển phương tiện giao thông rất khó để phát hiện.
Theo đồng chí Ngô Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý Giao thông (Sở Giao thông - Vận tải), đoạn đường tránh T.P Thái Nguyên đoạn từ nút giao Tân Lập đến nút giao Tân Long được thiết kế theo các tiêu chuẩn của đường cao tốc. Tuy nhiên, do đoạn đường này chưa đảm bảo được các yếu tố về hệ thống đường gom, đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ và xe máy nên chưa được sử dụng như đường cao tốc, song đây là đoạn đường ngoài đô thị nên tốc độ tối đa mà ô tô con, xe du lịch được phép chạy là 80km/giờ. Tới đây, khi các đường gom hoàn thành, đoạn đường này sẽ được sử dụng như đường cao tốc và như thế, chỉ có ô tô mới được phép lưu thông trên đoạn đường này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ chạy với tốc độ tối đa cho phép, nhiều xe còn chạy trên 100km/giờ. Với tốc độ này, người lái xe chỉ cần gặp tình huống bất ngờ hoặc thiếu sự quan sát là rất dễ xảy ra tai nạn. Việc người dân sang đường, băng qua dải phân cách cứng rất kỳ nguy hiểm v vi phạm Điều 32 Luật Giao thông đường bộ.
Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, chính quyền các xã, phường có liên quan đến đoạn đường tránh T.P Thái Nguyên cũng như các cơ quan chức năng ngành Giao thông - Vận tải và Công an cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền để người dân chấp hành các quy định, mà cụ thể là không tập thể dục cũng như băng qua dải phân cách; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.