Cầu xây một nơi, thu phí một nẻo
Tại điểm thu phí vẫn ghi “Điểm thu phí qua cầu treo Oánh” |
Điểm thu phí đặt tại cầu treo Bến Oánh và trên vé thu phí cũng ghi vé qua cầu này nên khiến ai cũng tưởng phí mình nộp là để qua cầu Bến Oánh. Ít ai biết rằng cầu treo Bến Oánh đã hết thời hạn thu phí từ hơn 10 năm về trước. Trạm thu phí này đang thực hiện thu phí đối với cầu Ba Mố nằm cách đó chừng 500-600m. Điều đáng nói là, trong số những người phải nộp tiền qua cầu trong một thời gian dài, có rất nhiều người không hề đi qua cầu Ba Mố.
Cầu treo Bến Oánh được xây dựng hàng chục năm nay bắc qua sông Cầu, nối liền khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên sang khu vực các xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên); Nam Hòa, Hợp Tiến, Khe Mo… (Đồng Hỷ). Theo Đại diện Công ty CP xây dựng Giao thông II Thái Nguyên,vào khoảng cuối năm 2011 cầu treo Bến Oánh đã hết thời hạn thu phí. Thời điểm đó, Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng và thu phí cầu Ba Mố nằm trên địa bàn xóm Bến Đò, xã Linh Sơn và nằm cách cầu treo Bến Oánh khoảng 500 - 600m. Điều đáng nói là vị trí điểm thu phí cầu Ba Mố lại tiếp tục được đặt tại đầu cầu treo Bến Oánh. Và, thông tin này có vẻ như đã không được công khai khiến người dân vẫn lầm tưởng rằng, hàng chục năm qua phí họ phải trả là để được đi qua cầu treo Bến Oánh.
Cầu Ba Mố có chiều dài 31m, chiều rộng khống chế 7m. Tính từ thời điểm thu phí cầu Ba Mố là cuối năm 2011 đến nay đã được hơn 10 năm. Tuy nhiên gần đây, tại các kỳ họp tiếp xúc cử tri và kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri xã Linh Sơn đã nhiều lần có ý kiến đề nghị làm minh bạch thông tin như: Cầu treo Bến Oánh hiện còn được thu phí hay không? Giải pháp cho tình trạng thường xuyên ách tắc giao thông tại đây vào giờ tan tầm? Cầu đã thu phí quá lâu, đề nghị có chính sách miễn, giảm cho một số đối tượng người dân sống ở khu vực đầu cầu hàng ngày phải đi lại qua cầu...
Cầu Ba Mố chỉ dài 31m, đơn vị chủ quản đã tiến hành thu phí bước sang năm thứ 11.
Tìm hiểu sự việc mới thấy những thắc mắc của cử tri, chính quyền địa phương và nhân dân là hoàn toàn chính đáng. Thậm chí có thể nói nhiều người dân đã bị thiệt suốt hơn 10 năm qua.
Lý do là bởi từ vị trí đặt cầu treo Bến Oánh đến cầu Ba Mố có hai con đường bê tông dẫn vào khu dân cư nhiều xóm của xã Linh Sơn. Hai con đường này đủ để các phương tiện thô sơ cũng như cơ giới lưu thông qua lại. Điều này có nghĩa là hầu hết người dân ở các xóm: Bến Đò, Ngọc Lâm, Ba Nhà, Nam Sơn… của xã Linh Sơn và nhiều nơi khác muốn sang trung tâm T.P Thái Nguyên hoặc ngược lại, bất kể ai muốn đến khu vực các khu dân cư trên thông thường đều không đi qua cầu Ba Mố thế nhưng vẫn phải trả phí tại Cầu treo Bến Oánh.
Chúng tôi làm cuộc phỏng vấn nhanh với một số người lưu thông qua cầu ở nhiều thời điểm khác nhau. 100% ý kiến đều trả lời rằng tiền phí mình phải trả hiện nay là phí thu cho Cầu treo Bến Oánh. Việc hiểu lầm này là hoàn toàn bình thường bởi như đã nói ở trên, thông tin Cầu treo Bến Oánh đã hết hạn thu phí, hơn 10 năm qua là thu phí qua cầu Ba Mố đã không được công khai. Thêm vào đó, trên vé cầu với mức giá thực tế hiện nay là 2.000 đồng/1 lượt xe máy và 15.000 đồng/1 lượt ô tô, chủ đầu tư là Công ty CP Giao thông II Thái Nguyên vẫn ghi: Vé qua cầu - Cầu treo Bến Oánh.
Bà Mai Thị Hoa, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn bức xúc: Nhà tôi cách Cầu treo Bến Oánh chỉ một đoạn, chưa tới cầu Ba Mố nên nếu sang trung tâm T.P Thái Nguyên tôi chẳng đi ra cầu Ba Mố làm gì nhưng tiền cầu đi lần nào phải nộp lần ấy.
Ông Hoàng Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn cho hay: Sau khi cử tri của xã có ý kiến về việc thu phí cầu treo Bến Oánh, chúng tôi đã có văn bản gửi lên UBND T.P Thái Nguyên. Song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời xem thời điểm nào cầu treo Bến Oánh hết hạn thu phí. Chỉ là từ các kênh thông tin khác thì chúng tôi biết được hình như là thu đến hết năm 2022. Còn nếu phí qua cầu hiện nay là thu của cầu Ba Mố thì làm như vậy là không đúng, không hợp lý, vì ít nhất có một nửa số xóm ở Linh Sơn không cần đi qua cầu Ba Mố để sang trung tâm T.P Thái Nguyên.
Cầu treo Bến Oánh.
Đem những thắc mắc của người dân trao đổi với ông Nguyễn Thanh Kiều, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Giao thông II Thái Nguyên, ông cho biết: Cầu treo Bến Oánh đã hết hạn thu phí vào khoảng năm 2011-2012. Từ đó đến nay, điểm thu phí đặt tại cầu treo Bến Oánh là để thu phí cầu Ba Mố và cầu Ba Mố sẽ hết hạn thu phí sau ngày 31/12/2022. Đáng nói là khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Kiều tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi nêu câu hỏi: “Tại sao hiện nay vé thu phí của đơn vị vẫn ghi “Vé qua cầu - Cầu treo Bến Oánh mà không phải cầu Ba Mố?”. Thậm chí ông Kiều còn cho rằng thông tin trong câu hỏi phóng viên nêu là không đúng sự thật. Trước khi yêu cầu nhân viên mang các cuống vé đã thu phí lên để kiểm tra, ông Kiều còn yêu cầu chúng tôi phải xin lỗi ông nếu trên vé thu phí cầu không ghi tên Cầu Bến Oánh. Tất nhiên là chúng tôi đồng ý. Điều đó chứng tỏ rằng: Thứ nhất, đại diện Công ty cũng ngầm khẳng định rằng, nếu vé thu phí do Công ty phát hành còn ghi “Vé qua cầu, cầu treo Bến Oánh” là sai. Thứ hai, ông chắc mẩm, điều đó là sai nên vé không thể in như vậy.
Nhưng tất cả các cuống vé đã thu đang lưu tại Công ty đều chứng minh lời chúng tôi nói là đúng. Chúng tôi đặt câu hỏi: - Ông nghĩ sao về các trường hợp người dân ở những địa bàn thường xuyên phải lưu thông qua cầu Bến Oánh nhưng không qua cầu Ba Mố đã phải nộp tiền suốt hơn 10 năm qua? Ông Kiều lý giải đó là do “lịch sử để lại”.
Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy, thời gian tới đây, nếu những người dân chứng minh được họ không đi qua cầu Ba Mố (có xác nhận của địa phương hay thông qua một hình thức nào đó) thì có được xem xét đến việc miễn phí khi qua cầu treo Bến Oánh không? - Ông Kiều đáp: Khó xác định đối tượng và lại cũng đã sắp đến thời điểm hết hạn (gần 2 năm nữa) thu phí cầu Ba Mố rồi! Và rằng cái này chúng tôi phải họp Hội đồng Quản trị.
Sẽ có rất nhiều lý do khác nhau để đơn vị chủ quản giải thích cho việc “nhập nhèm” khi thu phí một nơi, đặt vị trí thu tiền một nẻo. Nhưng thiết nghĩ không thể vì đã “chót làm không đúng” nên phải tiếp tục làm không đúng đến cùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liệu có biết đến sự “đánh tráo” này không mà nỡ để cho người dân chịu thiệt.