Chung tay kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông

Cập nhật: Thứ hai 28/09/2015 - 07:40
 Phóng viên Báo Thái Nguyên tìm hiểu vấn đề an toàn giao thông trên Quốc lộ 3, đoạn qua địa bàn xã Cổ Lũng (Phú Lương).
Phóng viên Báo Thái Nguyên tìm hiểu vấn đề an toàn giao thông trên Quốc lộ 3, đoạn qua địa bàn xã Cổ Lũng (Phú Lương).

An toàn giao thông (ATGT) là vấn đề được các cấp, ngành và toàn xã hội rất quan tâm. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn nhiều hạn chế như hiện nay thì điều này càng trở nên bức thiết. Sát cánh cùng lực lượng chức năng, nhằm góp thêm kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về Luật giao thông, Cuộc thi báo viết về chủ đề “Vì ATGT Thái Nguyên” do Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh và Báo Thái Nguyên phối hợp tổ chức đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Những dấu ấn

 

Cuộc thi báo viết với chủ đề “Vì ATGT Thái Nguyên” được khởi động từ tháng 5-2013, nhằm hưởng ứng Chương trình "Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011-2020" của Liên hợp quốc và Đề án “Kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”. Chỉ trong thời gian hơn 2 năm, Ban Tổ chức đã nhận được gần 400 tác phẩm, lựa chọn đăng tải trên 300 tác phẩm. Qua 2 lần sơ kết có thể thấy, số lượng bài dự thi ngày một nhiều, chất lượng tốt, hình thức thể hiện khá đa dạng.

 

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm dự thi đều có tính thời sự và đảm bảo chất lượng. Có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể, trong năm 2015, vấn đề xe quá tải và những giải pháp để hạn chế xe quá tải tiếp tục được các tác giả phản ánh đậm nét. Bởi thực tế, mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng xe quá tải vẫn tiếp tục hoành hành khiến nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh chóng và gây nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông. Tác phẩm “Tài xế xe quá tải “né” chốt kiểm tra” của phóng viên Dương Hưng (Báo Thái Nguyên) là một bài viết khá công phu về vấn đề này. Anh kể: Khi lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm soát trên Quốc lộ 37, đoạn qua địa phận Đại Từ thì xe quá tải hầu như không đi qua được. Tưởng như vậy thì xe cát từ Tuyên Quang về Thái Nguyên sẽ không còn, nhưng thực tế ở khu vực T.P Thái Nguyên vào ban đêm vẫn thấy xuất hiện những xe này. Trong vai người đi mua cát sỏi, tôi đã mất gần 1 tuần đến các bến cát sỏi ở Yên Sơn (Tuyên Quang), rồi bám theo xe cát từ thị trấn Sơn Dương (Tuyên Quang) theo Tỉnh lộ 264 đi xã Tân Trào rồi qua Đèo De (Định Hóa). Tại đây, tôi phát hiện các xe quá tải “ém chờ” đến đêm, khi lực lượng cảnh sát giao thông rút đi sẽ chạy tiếp để hướng về T.P Thái Nguyên.

 

Cũng đề cập vấn đề xe quá tải, còn nhiều bài viết khác như: Kiên quyết xử lý xe quá tải; “Xử lý xe quá tải: Không thể quyết liệt nửa vời; Siết chặt quản lý xe quá tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; Xe quá tải vẫn diễn biến phức tạp; Xe quá tải “cày nát” Quốc lộ 37… Trong bài viết: “Kiểm soát tải trọng tận gốc - hướng nào?”, phóng viên Ngọc Sơn (Báo Thái Nguyên) đã chỉ ra những bất cập trong việc kiểm soát xe quá tải. Đó là chúng ta mới chỉ tập trung vào "phần ngọn", xử lý vi phạm trên đường mà chưa quan tâm đến "phần gốc", quản lý ngay từ nơi giao nhận, bốc xếp hàng hóa. Từ đó tác giả đề xuất giải pháp là lực lượng chức năng cần tăng cường lực lượng giám sát hoạt động nhập hàng từ các bến cảng, kho bãi, cơ sở sản xuất lớn, thay bằng chỉ kiểm tra hóa đơn, phiếu cân và xử lý vi phạm trên đường; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền đối với người vận tải và người bốc, xếp hàng hóa vi phạm quy định tải trọng...

 

Mặt tích cực nữa của Cuộc thi cần kể đến đề tài phản ánh khá đa dạng, với sự tham gia tích cực của đội ngũ cộng tác viên. Ngoài đề tài xe quá tải, còn có thể kể đến các mảng khác như: Cầu treo dân sinh gây nguy hiểm, mất ATTG ở khu vực nông thôn và các cổng trường học, hạ tầng giao thông xuống cấp... Cộng tác viên Dương Chiêm (Định Hóa) cho rằng: Nội dung Cuộc thi rất thiết thực, gắn với đời sống hằng ngày của mỗi người nên thu hút được nhiều người tham gia. Với đặc thù công việc là một phóng viên ở đài truyền thanh – truyền hình huyện, thường xuyên phải di chuyển trên đường nên tôi thấy có nhiều đề tài có thể viết bài dự thi”.

 

Đề xuất giải pháp từ thực tế

 

Là người tích cực đi thực tế, đồng thời có nhiều bài viết chất lượng tham dự Cuộc thi, phóng viên Văn Hiến (Báo Thái Nguyên) trăn trở: Nhiều tuyến đường, nhất là đường giao thông nông thôn sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp nhanh chóng. Bên cạnh nguyên nhân về chất lượng, còn do công tác bảo trì, bảo dưỡng đường chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng là nội dung bài viết: “Bảo trì để duy trì chất lượng hạ tầng nông thôn” được anh phối hợp với phóng viên Trần Quyền thực hiện. Tác phẩm đề cập đến cách làm hiệu quả ở huyện Định Hóa trong việc quản lý mạng lưới giao thông. Đó là việc cân đối nguồn ngân sách để bảo trì các công trình; khuyến khích, động viên nhân dân, huy động các tổ chức, doanh nghiệp cùng góp sức, góp của để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông... Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp để bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường như: Thường xuyên nạo vét cống rãnh thoát nước; quy định tải trọng tối đa của các phương tiện tham gia giao thông và hạn chế xe quá tải; cụ thể hóa trách nhiệm quản lý của các cấp, đơn vị; hài hòa giữa đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường giao thông với bố trí kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng…

 

Ở mỗi tác phẩm, các tác giả không chỉ đơn thuần phản ánh mà kèm với đó là những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Tác phẩm “Đèn chiếu xa… tai nạn gần” của phóng viên Hoàng Hưng phản ảnh một thực tế khá phổ biến hiện nay là việc sử dụng đèn chiếu xa (pha) dù đã bị cấm hoàn toàn trong đô thị hoặc khi gặp phương tiện cơ giới đi ngược chiều ngoài đô thị nhưng vẫn thường xuyên xảy ra. Điều này có thể khiến người tham gia giao thông ngược chiều bị lóa mắt, mất phương hướng dẫn đến bị ngã xe hoặc va chạm với người tham gia giao thông khác. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng cần biện pháp xử lý quyết liệt hơn với các trường hợp dường như...”vô tình” phạm luật này. Cộng tác viên Lưu Phượng lại phân tích những nguyên nhân tình trạng tại nạn giao thông nghiệm trọng trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn qua tác phẩm: “Giao thông nông thôn: Những hiểm họa khó lường”. Đó là các tuyến đường nông thôn thường cong cua, tầm nhìn bị che khuất do người dân trồng cây, làm nhà hai bên đường… Trong khi người tham gia giao thông chủ quan, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm còn phổ biển. Do vậy, việc tuyên Luật Giao thông đường bộ với các hình thức phù hợp ở khu nông thôn cần được chú trọng, tăng cường hơn nữa... Qua các tác phẩm, nhiều vấn đề đã được các ngành, lực lượng chức năng xem xét giải quyết kịp thời, tạo niềm tin trong nhân dân.

 

Tuy nhiên nhìn lại vẫn còn những hạn chế trong quá trình triển khai Cuộc thi đã được Ban Tổ chức chỉ ra như: Số lượng tác phẩm tham gia chưa nhiều, bài viết chất lượng cao còn ít; cách thể hiện ở một số tác phẩm còn khô cứng, chưa tạo được sức hút; nhiều vấn đề mới phát sinh trong thời điểm hiện nay chưa được phát hiện, đề cập kịp thời... Nhưng có thể khẳng định, Cuộc thi “Vì ATGT Thái Nguyên” đã trở thành một kênh thông tin tuyên truyền quan trọng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng, người dân và cộng đồng xã hội để cùng chung tay kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông.

Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: