Chuyện của người trong cuộc
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm, động viên thân nhân bà Dương Thị Thập (bị tử vong do tai nạn giao thông), tổ 1, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) |
Sau nửa tháng nằm bất động trên giường cấp cứu, tỉnh dậy thấy miệng trống rỗng, soi gương mới biết mình bị gẫy mất gần hết bộ răng. Anh Hoàng Văn Tuấn, thị trấn Đu (Phú Lương) nhớ lại. Từ sau vụ tai nạn cách đây 5 năm, anh không dám uống rượu nếu phải đi xe máy ra đường, nhưng mỗi khi tiết trời thay đổi, xương mặt lại đau nhức…
Câu chuyện của anh Tuấn gợi cho chúng tôi nhớ về những nạn nhân bị tai nạn giao thông được gặp. Họ may mắn không bị tử thần cướp đi sinh mạng, nhưng mang thương tật suốt đời.
Ông Phạm Quang Huấn, Phó Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông như: Có sử dụng một số loại chất kích thích như bia, rượu, ma túy; do buồn ngủ hoặc do thiếu quan sát khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tai nạn xảy ra thật khó lường hết hậu quả. Có trường hợp nạn nhân chết ngay tại hiện trường, hoặc trên đường đi cấp cứu; hoặc mang thương tật suốt đời…
Anh Trần Văn Hiển, xóm Trường Giang, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên) là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. 31 tuổi, nhưng anh Hiển có 19 năm là người tàn tật do bị tai nạn giao thông. Anh kể: Hôm đó tôi ngồi sau xe máy của bạn. Khi va chạm với xe ô tô, bạn tôi bị văng sang bên đường, rơi vào giữa bụi cây, thoát chết. Còn tôi bị bánh xe ô tô nghiền nát chân trái. Bố mẹ tôi phải tốn rất nhiều tiền cho các lần phẫu thuật để ghép xương, nối gân, vá da. Hiện chân trái của tôi không có xương bánh chè và thường xuyên đau nhức, đi lại gượng cố nên chỉ giúp vợ con việc quét sân, lau nhà.
Chị Nguyễn Thị Thơm, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ) kể: Mẹ tôi, bà Bùi Thị Sen vừa dắt xe đạp ra khỏi nhà thì bị va chạm với xe máy. Bà ngã sấp mặt xuống đường, nằm bất tỉnh. Gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng cú va đập quá mạnh làm bà bị chấn thương nặng dẫn đến liệt não, nằm một chỗ, sống thực vật. Còn bà Nguyễn Minh Hường, xóm 14, xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) kể: Bữa đó tôi cùng bà Nguyễn Thị Yến (người cùng xóm) đèo nhau đi chơi. Trên đường, chúng tôi bị va chạm với xe ô tô đi cùng chiều, ngã lăn vào gầm xe. Tôi bị dập nát bàn chân phải, còn bà Yến bị vỡ xương chậu, dập nát đùi phải. Từ 3 năm sau vụ tai nạn, chúng tôi trở thành người tàn tật. Cực nhất là bà Yến phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người thân giúp đỡ.
Nói chuyện về tai nạn giao thông, nhiều người dân nhắc ngay đến gia đình bà Đỗ Thị Mai, xóm Cây Cài, xã Cổ Lũng (Phú Lương), vì trong gia đình bà có hai người bị tai nạn giao thông. Bà Mai đi bộ sang đường bị xe ô tô cán nát 1 chân, con trai bà đi xe máy bị va quệt với xe ô tô, chết ngay trên đường. Cả hai mẹ con bà cùng bị tai nạn tại đoạn đường trước nhà. Thế mới hay trên dòng đời xuôi ngược, ở phía sau bình yên đường phố, còn có những hiểm họa tai nạn giao thông bất ngờ.
Trường hợp chị Dương Thị Thập, tổ 1, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) là một trong những minh chứng ấy. Chị Thập là công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên. Cuối năm 2019, trong 1 lần đang quét dọn vệ sinh tại đoạn đường thuộc tổ 3, phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên), chị đã bị 1 người điều khiển xe máy đâm phải và chết trên đường đến bệnh viện cấp cứu.
Bà Phạm Thị Liễu, 73 tuổi, tổ 12, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) sụt sịt kể: Vợ chồng chúng nó vừa trò chuyện với mẹ ở nhà, vậy mà chỉ ít phút sau đó đã có người gọi tôi đến nhà xác bệnh viện nhận mặt con… Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của con trai, con dâu tôi cùng lúc. Chúng để lại cho tôi hai đứa cháu nội, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 30 tháng tuổi. Đã 8 năm nay, 3 bà cháu phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Tôi lo ngày mình về với thế giới người hiền, các cháu tôi sẽ sống như thế nào…
Tai nạn giao thông chỉ xảy ra trong chớp mắt, nhưng nỗi đau sau đó là không thể bù đắp. Để giảm thiểu những nỗi đau, mất mát từ tai nạn giao thông, quan trọng vẫn là ý thức, trách nhiệm của tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Hãy nhường nhịn nhau khi đi đường; không phóng nhanh vượt ẩu; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong người có men rượu bi; hãy đội mũ bảo hiểm cho mình và người thân khi đi mô tô, xe gắn máy....