Đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm giao thông: Vì sao người dân chưa thực hiện?

Cập nhật: Thứ năm 16/07/2020 - 16:47
 Các phương tiện giao thông bị tạm giữ tại Điểm trông giữ xe vi phạm của doanh nghiệp Trường Hải, ở phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên)
Các phương tiện giao thông bị tạm giữ tại Điểm trông giữ xe vi phạm của doanh nghiệp Trường Hải, ở phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên)

Theo Nghị định số 31/2020/NĐ-CP, ngày 5/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, người dân có thể làm thủ tục đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông thay vì bị lực lượng chức năng tạm giữ như trước đây. Tuy nhiên, theo Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) - Công an tỉnh, hơn 2 tháng kể từ khi quy định này có hiệu lực (từ ngày 1-5), đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào đến làm thủ tục để đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm.

Điều 14, Nghị định số 31 quy định điều kiện để được nộp tiền bảo lãnh phương tiện giao thông vi phạm hành chính là chủ phương tiện phải có nơi đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận; có nơi lưu giữ, bảo quản phương tiện.

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, người vi phạm cần làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được nộp tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện. Mức đặt tiền bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Tiền đặt bảo lãnh sẽ được trả lại sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong các quyết định xử phạt.

Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã tạm giữ 3.376 phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có 2.863 mô tô, xe máy; 504 xe ô tô và 9 phương tiện khác. Lượng phương tiện bị tạm giữ lớn gây khó khăn cho công tác vận chuyển, bảo quản của lực lượng chức năng.

Đại úy Nguyễn Nam Hưng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm, Phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, Phòng CSGT đã phải ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp để có thêm chỗ trông giữ, bảo quản các phương tiện giao thông bị tạm giữ. Do đó, sự ra đời của Nghị định số 31 cho phép người dân được đặt tiền để tự bảo quản phương tiện vi phạm sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xử lý, bảo quản phương tiện vi phạm. Đồng thời, giúp người dân tiết kiệm được chi phí trông giữ và tránh được tình trạng hỏng hóc phương tiện khi bị tạm giữ tại các kho bãi ngoài trời.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau hơn 2 tháng kể từ khi quy định này có hiệu lực, đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào làm thủ tục đề nghị được đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện vi phạm. Nguyên nhân một phần là do nhiều người dân chưa biết đến quy định này; một phần là do thủ tục để đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm khá phức tạp, mất thời gian nên người dân ngại thực hiện.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 15-7,  tại Phòng CSGT - Công an tỉnh có rất nhiều người dân đến làm thủ tục để nộp phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó, có cả những người đến để làm thủ tục nhận lại phương tiện vi phạm bị tạm giữ. Tuy nhiên, khi được hỏi rất ít người biết đến Nghị định số 31 quy định về việc được phép đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện. Ông Nguyễn Văn Nghị, trú tại tổ 21, Phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Sau khi nộp phạt và đến bãi trông giữ để nhận lại phương tiện của mình tôi thấy rất xót ruột vì xe bị phơi mưa, nắng ngoài trời trong suốt cả tuần. Nếu sớm biết có quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh để phương tiện thì tôi đã làm ngay để đưa xe của mình về nhà bảo quản cho yên tâm, lại đỡ mất chi phí gửi xe tại bãi trông giữ.

Còn ông Hoàng Văn Mai, trú tại xã Cổ Lũng (Phú Lương) mặc dù biết đến Nghị định số 31 nhưng lại quyết định không làm thủ tục đặt tiền bảo lãnh. Khi được hỏi, ông Mai giải thích: Quy định cho đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm là rất phù hợp với thực tế nhưng thủ tục lại khá phức tạp và mất thời gian. Người vi phạm không được nhận lại phương tiện ngay tại thời điểm vi phạm mà phải làm đơn đề nghị và cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Hơn nữa còn phải chờ người có thẩm quyền quyết định có đồng ý cho bảo lãnh phương tiện hay không. Toàn bộ quá trình đó có thể mất từ 2 - 3 ngày trong khi thời gian các cơ quan chức năng tạm giữ phương tiện theo quy định chỉ không quá 7 ngày. Vì vậy, thay vì làm các thủ tục rườm rà đó, tôi đã để CSGT tạm giữ phương tiện của mình.  

Có thể thấy, quy định về việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm giao thông mặc dù được đánh giá là rất phù hợp và giàu tính nhân văn nhưng lại chưa được người dân thực hiện. Trước thực tế nêu trên, Thượng tá Nguyễn Văn Toản, Phó trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về Nghị định số 31 và thực hiện quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định bảo lãnh phương tiện vi phạm để báo cáo với cơ quan cấp trên nhằm điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của Pháp luật.

Nguyên Ngọc - Bùi Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: