Đối tác ngoại muốn đầu tư thêm cảng của Vinalines
Cảng CICT Cái Lân được đầu tư chuyên bốc dỡ hàng container. |
Đối tác SSA Marine (Hoa Kỳ) và nhà tài trợ IFC đang nóng lòng chờ đàm phán với nhà đầu tư mới của Vinalines về tái cơ cấu các khoản vay và xem xét việc tiếp tục đầu tư cho 2/4 cảng liên doanh của Vinalines.
SSA Marine vừa có buổi làm việc với Bộ GTVT đề nghị cung cấp các thông tin về cổ phần hóa Vinalines và nhà đầu tư tương lai của Vinalines sau IPO. Cùng đó, đơn vị này cũng mong muốn tìm hiểu chủ trương và tiến trình thoái vốn tại Cảng Sài Gòn để tính toán phương án tài chính cho hoạt động của Công ty liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) và Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) là hai cảng liên doanh của SSA Marine với Vinalines. Ông Soren S.Pedersen, Phó giám đốc Marketing của SSA Marine cho biết: “Nếu có triển vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cảng”.
Cảng SSIT được các ngân hàng cho vay thống nhất cho “ngủ đông” trong giai đoạn khó khăn của thị trường chung cho đến hết năm 2016, nay đã sắp kết thúc. Hiện phần đầu tư cho bốc dỡ container của SSIT chưa được đầu tư hoàn thiện và cảng nỗ lực tồn tại bằng bốc dỡ hàng tổng hợp. Cảng CICT được đầu tư chuyên bốc dỡ hàng container nhưng lượng container vào cảng rất thấp do không cạnh tranh được với Cảng Hải Phòng. Do đó, cảng được cho phép khai thác thêm hàng tổng hợp để tồn tại. Sản lượng bốc dỡ container năm 2014 được của CICT được 102.895 TEU. Từ đầu năm 2015 đến nay, lượng hàng container về cảng vẫn thấp, trung bình khoảng 1.200TEU/tháng, trong khi công suất xếp dỡ container được thiết kế cho giai đoạn I là 520.000 TEU/năm.
“Tái cấu trúc lại tài chính các cảng liên doanh là rất cần thiết. Cho dù nhà đầu tư tương lai của Vinalines là ai, đối tác vẫn cần khẩn trương để đàm phán với các ngân hàng cho vay để được xóa lãi và giảm đáng kể nợ gốc, cảng mới có thể hoạt động được”.
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải VN.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, các bến của SSIT cùng với bến của Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) có nhiều lợi thế, vì luồng sâu. Hiện Bộ GTVT đã cho nạo vét đến -14m. Năm nay, lượng tàu vào Cái Mép - Thị Vải tăng 50% so với năm ngoái, còn lượng tàu trên 80 nghìn tấn vào tăng đến 69%, lượng hàng vào tăng tới 16%, trong khi cả nước chỉ 14%. “Chúng tôi đang cho thực hiện trung chuyển container từ miền Bắc vào, tôi nghĩ tương lai sẽ rất tốt”.
Về vấn đề IPO Vinalines, Thứ trưởng Công cho biết, phương án đã trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó Vinalines vẫn giữ 36% vốn điều lệ. Do đó, SSA Marine vẫn nên bàn bạc với Vinalines và sớm làm marketing cho mở lại cảng SSIT. Về cảng CICT, theo Thứ trưởng Công, tăng trưởng hàng hóa khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh hiện rất lớn, trong đó tăng trưởng hàng container lên tới gần 20%. Vì thế, việc cho đầu tư thêm 2 bến cảng Lạch Huyện không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của CICT. Bốc dỡ hàng tổng hợp của cảng CICT tại khu vực không có cảng nào cạnh tranh được, lên tới 3,9 triệu tấn trong năm 2015. SSA Marine nên làm việc sớm với nhà tài trợ để tái cơ cấu khoản vay, tiếp tục tính toán phương án tài chính, chỉ đạo cho cảng hoạt động tích cực hơn.
Hiện, Vinalines có 4 cảng biển lớn liên doanh với đối tác nước ngoài, gồm ba cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải là CMIT, Vinalines góp 36% vốn; Cảng SSIT Vinalines góp 11,7%; Cảng SP-PSA góp 15% và 1 cảng khu vực Quảng Ninh là CICT Vinalines góp tới 51%.
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải VN cho biết, mức đầu tư vào các cảng liên doanh với nước ngoài nói trên rất lớn, từ gần 200 triệu - 350 triệu USD. 70% khoản đầu tư là vay thương mại từ các tổ chức tài chính, nên phải chịu áp lực cao về trả gốc và lãi vay. Cùng đó, do tình hình cung cầu tại cảng bị mất cân đối lớn khiến các cảng khai thác ở mức thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Vinalines mới đây đã phải xử lý các khoản tài chính đến hạn phải trả của cả bốn cảng liên doanh, theo hướng đàm phán với bên cho vay để giãn nợ trong vòng 1,2 năm trước mắt.