Đường sắt quyết loại bỏ mùi hôi tàu hỏa

Cập nhật: Thứ ba 25/07/2017 - 14:27
  Toa ghế ngồi tàu SE17 Hà Nội - Đà Nẵng đã được cải tạo, nâng cấp sạch đẹp.
Toa ghế ngồi tàu SE17 Hà Nội - Đà Nẵng đã được cải tạo, nâng cấp sạch đẹp.

Dù đường sắt đã và đang nỗ lực đổi mới, nhưng công tác vệ sinh, đặc biệt “mùi tàu” vẫn là ám ảnh của không ít hành khách và là thách thức thực sự của ngành Đường sắt trong thời gian tới.

Ám ảnh “mùi tàu”

 

Trực tiếp có mặt trên chuyến tàu SE1 xuất phát từ ga Hà Nội đi ga Sài Gòn đầu tháng 7/2017, PV Báo Giao thông ghi nhận, mỗi toa có đến 7-8 hành khách phải mua ghế phụ và ngồi dọc hành lang. Trong khi đó, ở khoang 4 giường toa điều hòa, nhiều hành khách vẫn phải bịt khẩu trang kín mít.

 

“Tôi sợ mùi tàu lắm. Mấy năm trước hay đi, mùi tàu hôi không chịu được, đau đầu, chóng mặt nên chuyển đi xe khách. Lâu lắm mới đi tàu lại nhưng tôi cứ phải đeo khẩu trang vì trên tàu dù đã sạch sẽ hơn nhưng vẫn còn mùi khó chịu”, một nữ hành khách chia sẻ.

 

"Nói là nâng cao chất lượng phục vụ hành khách mà có mỗi việc đảm bảo chất lượng vệ sinh trên tàu cũng không làm được thì khách nào tin, đi tàu nữa. Từ tháng 3/2017, Tổng công ty Đường sắt VN đã yêu cầu các công ty vận tải phải thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo chất lượng vệ sinh toa xe khách, đặc biệt là việc đảm bảo toa xe, buồng vệ sinh sạch sẽ, thực hiện theo quy trình, có kiểm tra, kiểm soát”.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh.

Anh Bùi Hoàng Vinh (Chùa Bộc, Hà Nội), hành khách cùng khoang cho biết, quê vợ ở Nghệ An nên hay đi tàu tuyến Hà Nội - Vinh. Tàu tuy sạch hơn trước nhưng tùy theo chuyến tàu, thời gian đi tàu và cả toa xe mà chất lượng vệ sinh khác nhau, chưa đồng đều suốt hành trình.

 

“Lúc đi, tàu xuất phát tại Hà Nội rất sạch. Còn từ Vinh về mà đón tàu từ Sài Gòn ra đã gần cuối hành trình nên bẩn và mùi hơn, nhất là ở các buồng vệ sinh. Đặc biệt là mùa hè, khách du lịch đi tàu đông thì càng mùi hơn”, anh Vinh nói.

 

Trên chuyến tàu quay trở về Hà Nội, PV Báo Giao thông chờ đến khi chỉ còn khoảng một giờ nữa đến ga Hà Nội đi dọc đoàn tàu để kiểm chứng lời anh Vinh nói. Quả thật, dù toa mát lạnh, nhưng mùi tàu khó chịu hơn nhiều. Nhất là tại các toa khoang 6 giường, toa ghế ngồi đã cũ. Mở các buồng vệ sinh, dù thành vách, bệ, thùng tương đối sạch, lại có dán cả hướng dẫn sử dụng thiết bị vệ sinh và treo biểu mẫu kiểm soát quy trình làm vệ sinh nhưng vẫn bốc ra mùi “đặc trưng” rất khó chịu của tàu hỏa. Cùng đó, ở các toa xe trong một đoàn tàu, hiện cũng được lắp đặt thiết bị vệ sinh không đồng nhất, mỗi toa mỗi kiểu khá nhôm nhoam. Thiết bị vệ sinh từ khu vực rửa mặt đến buồng vệ sinh vẫn dùng inox kiểu cũ, hầu hết xuống mã.

 

Lên kế hoạch đóng tàu mới, cải tạo toa xe

 

Chia sẻ về thực trạng trên, anh Vũ Đăng Minh, tiếp viên toa xe tàu SE5/6 (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) thừa nhận, ngành Đường sắt vẫn chưa khử được hết mùi tàu trong suốt hành trình mặc dù đã xử lý vệ sinh theo quy trình, kể cả dùng các chất khử mùi. “Nhiều toa xe cũ, tàu chạy hàng chục tiếng, từng ấy con người ăn uống, sinh hoạt trên tàu kín mít. Thành ra hơi người, mùi thức ăn, chưa kể các loại hành lý mang theo… luẩn quẩn trong toa, ám cả vào thiết bị”, anh Minh nói và cho biết, nhân viên chỉ có thể cố gắng vệ sinh sạch sẽ trong toa xe, lau chùi, dọn rác, nhà vệ sinh thường xuyên, bẩn đâu làm đó, chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn mùi tàu.

 

Cũng theo anh Minh, chỉ cần một hành khách vô ý thức, khách sau vào là thấy phản cảm rồi. Trong khi tiếp viên toa xe còn rất nhiều tác nghiệp khác như đón tiễn khách, lau dọn khu vực hành khách, phục vụ bữa ăn… nên khó “bẩn đâu dọn đấy” được. Mặt khác, do buồng vệ sinh chật hẹp, trong điều kiện tàu chạy rung lắc nên nhiều hành khách không sử dụng thiết bị vệ sinh đúng theo hướng dẫn.

 

Giám đốc Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội Nguyễn Đình Chiểu cho biết, từ tháng 6/2017, đơn vị đã thuê công ty vệ sinh chuyên nghiệp làm vệ sinh tổng thể trong và ngoài toa xe tại ga xuất phát, ga quay đầu. Triển khai thực hiện quy trình, kiểm soát công tác vệ sinh toa xe. Trong đó, quá trình tàu trên đường do tiếp viên phụ trách toa xe thực hiện, định kỳ 40 phút kiểm tra, thực hiện dọn buồng vệ sinh một lần. Ngoài ra, tổ tàu còn bố trí một chức danh vệ sinh viên, chuyên về công tác vệ sinh.

 

“Từ khi làm theo quy trình mới, gắn trách nhiệm của từng bộ phận, chức danh, chất lượng vệ sinh trên tàu cũng được nâng lên, nhưng để đáp ứng được yêu cầu của hành khách đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể. Cần phải đầu tư nâng cấp, đóng mới toa xe”, ông Chiểu cho hay.

 

Cũng thực hiện quy trình tác nghiệp vệ sinh trên tàu tương tự nhưng theo ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Đoàn Tiếp viên đường sắt phương Nam, từ cuối tháng 3 đến nay, đơn vị đã thành lập các tổ kiểm tra, nghiệm thu tất cả các mặt công tác trước khi đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn, nhất là vệ sinh toa xe với thành phần là thành viên Ban giám đốc, Đảng ủy, công đoàn, lãnh đạo các bộ phận, phòng chuyên môn, tức là cả hệ thống chính trị vào cuộc. “Nếu làm tốt vệ sinh ở ga quay đầu và chỉnh bị thì trên tàu anh em đỡ vất vả, nhanh hơn nên cũng đảm bảo chất lượng hơn”, ông Truyền nói.

 

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho rằng, quan trọng nhất vẫn phải nâng cấp, cải tạo và đóng mới toa xe, thiết bị. “Toa xe cũ giống như cái nhà cũ, chỉ có thể làm sạch hơn. Còn muốn đẹp hơn, phải nâng cấp, cải tạo, đóng mới”, ông Tuấn nói và cho biết, năm 2017 đã đầu tư đóng mới 30 xe chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang và cải tạo, nâng cấp 44 xe.


Nguồn: Báo Giao thông
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: