Ghi nhận từ những ngày đầu thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP
Đội tuần tra Phòng CSGT (Công an tỉnh) kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện. |
Từ ngày 1-8, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) chính thức có hiệu lực thi hành. Sau gần nửa tháng triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn tỉnh, đến nay, cùng với việc tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp người tham gia giao thông nắm vững các quy định, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Điểm mới của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP là cùng với việc khắc phục những hạn chế của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP thì Nghị định số 46/2016/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung và làm rõ thêm đối với 105 hành vi và 45 nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ chưa được quy định trong nghị định cũ, cũng như nâng cao mức xử phạt các lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… thì mức xử phạt sẽ tăng lên khoảng 30% so với trước đây, đồng thời tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Ngoài ra, trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nhiều hành vi và nhóm hành vi vi phạm được bổ sung quy định xử phạt như: Chở người trên ôtô không thắt dây an toàn, vừa điều khiển ôtô vừa sử dụng điện thoại, điều khiển xe trên dải phân cách cứng hay trên vỉa hè, lùi xe ở nơi có biển cấm đi ngược chiều, không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của người thi hành công vụ, chiếm dụng lòng đường… Việc bổ sung hình phạt cho những hành vi gây bức xúc dư luận này trước đây không xử phạt được do thiếu chế tài, nay đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong Nghị định.
Trao đổi với chúng tôi về những điểm mới trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, đồng chí Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh cho biết: Ngay sau khi có hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về công tác triển khai thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, vào trung tuần tháng 7, đơn vị đã tổ chức triển khai đến các lực lượng có chức năng giữ gìn an toàn giao thông; cấp, phát tài liệu cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ nghiên cứu các văn bản. Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền để cho người tham gia giao thông biết và nghiêm túc chấp hành.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Là một trong những người tham gia vào công tác này, Đại úy Hoàng Như Hiển, thuộc Đội tuần tra Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Hầu hết các trường hợp vi phạm sau khi được lực lượng CSGT tuyên truyền, giải thích đều thừa nhận hành vi vi phạm và chấp nhận thi hành quyết định xử phạt, mặc dù nhiều hành vi như vi phạm về nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, vi phạm về tải trọng phương tiện... bị xử phạt khá nặng.
Cũng liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, một trong những vấn đề được nhiều người dân quan tâm là quy định về xử phạt khi người tham gia giao thông vượt đèn vàng. Nói về vấn đề này, đồng chí Trần Trọng Khiêm cho rằng, theo quy định tại Mục 3, Điều 10 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: “Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu (tín hiệu xanh là được đi, tín hiệu đỏ cấm đi và tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng), trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”. Theo nguyên tắc khi gần đến khu vực có đường giao nhau thì người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ để quan sát các phương tiện khác đang lưu thông. Thực tế cho thấy, rất nhiều người điều khiển phương tiện khi gần đến ngã ba, ngã tư thấy đèn vàng, thay vì giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng lại cố tình tăng tốc qua ngã tư, tạo ra xung đột với các dòng phương tiện được phép di chuyển, rất dễ dẫn đến va quệt, gây tai nạn giao thông. Trước đây cũng đã có quy địnhh xử phạt vượt đèn vàng, nhưng nhẹ hơn. Việc nâng mức xử phạt với hành vi này là phù hợp để giảm thiểu va quệt, tai nạn giao thông.
Chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu ra quân thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, Phòng CSGT Công an tỉnh đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính gần 300 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước hàng trăm triệu đồng và tước giấy phép lái xe của hàng chục trường hợp. Các lỗi chủ yếu tập trung vào các nhóm hành vi: Vi phạm nồng độ cồn và chở hàng quá tải trọng, nhóm vi phạm về tốc độ, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đi không đúng phần đường, làn đường… Theo đánh giá, về cơ bản người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật hơn so với trước, đối với những người chưa biết về quy định mới tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, sau khi được các lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở đã tiếp thu và chấp hành tốt hơn trước. Có thể nói, với những điểm mới trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã hoàn thiện những mặt thiếu sót, nâng cao công tác quản lý, xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, từ đó góp phần tạo tính răn đe, kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông…