Bạn đọc quan tâm:
Giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt
Thời gian qua, tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt trên cả nước luôn là vấn đề đáng quan tâm. Không ít vụ tai nạn đường sắt thương tâm do người tham gia giao thông bất cẩn, vi phạm hành lang an toàn đường sắt hoặc do tự ý mở các đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt…
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt nhằm giảm thiểu tai nạn đường sắt.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành có các tuyến đường sắt đi qua, đang gấp rút triển khai kế hoạch thực hiện Đề án. Trên địa bàn tỉnh hiện có 93 lối đi tự mở phục vụ dân sinh qua đường sắt quốc gia thuộc 4 địa phương gồm: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên. Hầu hết các lối đi tự mở trên đều không có hàng rào ngăn cách hoặc cảnh báo giao thông. Đây chính là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt rất cao. Do đó, UBND tỉnh đã đưa ra lộ trình cũng như các giải pháp cụ thể tập trung vào xóa bỏ các lối đi tự mở.
Trước mắt, tỉnh tập trung đảm bảo an toàn giao thông đường sắt bằng cách tăng cường hoạt động cảnh giới tại các lối đi dân sinh có đông người qua lại, giải tỏa tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các lối đi mở. Rà soát, quản lý chặt chẽ đất dành cho đường sắt, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, nhất là những vị trí có nguy cơ mất an toàn cao; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất vi phạm hành lang giao thông đường sắt.
Tiếp đó, theo lộ trình tỉnh sẽ thực hiện việc rào các lối đi tự mở, bố trí người và phương tiện giao thông đi các lối khác. Tổ chức thu hẹp lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m, không phải đường trục chính giao thông để hạn chế phương tiện cơ giới. Tỉnh cũng lên phương án tổng thể, phù hợp để xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để tiến tới xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt theo đúng kế hoạch. Hết năm 2020, tập trung xóa bỏ lối đi tự mở tại các khu vực đông dân cư thuộc những đoạn đường sắt có tốc độ, mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí nguy hiểm với an toàn đường sắt. Hết năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt, hoàn thành việc xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia.
Như vậy, từ nay đến hết năm 2025, toàn bộ 93 lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn sẽ bị xóa bỏ. Đây là điều mà không chỉ ngành đường sắt mà nhân dân địa phương đều mong muốn, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn đường sắt không đáng có.