Hoàn thiện giao thông nông thôn: Tạo đà cho vùng khó phát triển
Đường giao thông vào xóm Làng Mười, xã Dân Tiến (Võ Nhai) đang được đầu tư đổ bê tông. |
Những kết quả tích cực từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và việc thu hút các nguồn lực đầu tư, hạ tầng giao thông tại vùng nông thôn của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Đây là điều kiện quan trọng để giúp người dân ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Trước năm 2010, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh có sự “chênh lệch” lớn giữa khu vực nông thôn và đô thị, giữa các địa phương vùng núi và đồng bằng. Nhiều tuyến đường vào các xóm chưa được đầu tư, nhất là ở các xóm vùng sâu, vùng xa. Đây là trở ngại rất lớn tới việc phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực này. Phần lớn ở những xóm chưa có đường giao thông được bê tông hóa thì tỷ lệ hộ nghèo cao, tốc độ giảm nghèo chậm. Trong số đó, các huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương là những địa phương khó khăn nhất về hạ tầng giao thông…
Ông Phan Thanh Tề, ở xóm Na Hấu nhớ lại: Xóm Na Hấu nằm giáp ranh với xã Tân Chi, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Khi đường giao thông vào Na Hấu chưa được đổ bê tông thì người dân trong xóm muốn ra trung tâm xóm phải đi trên con đường đất quanh co men theo sườn núi. Vào mùa mưa, người dân chỉ có thể đi bộ, các phương tiện giao thông gần như không thể đi lại.
Còn ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Võ Nhai cho biết: Đến năm 2015, trên địa bàn vẫn còn gần 60/171 xóm của huyện chưa có đường giao thông được làm bê tông. Vào mùa mưa, nhiều xóm gần như bị cô lập. Giao thông đi lại không thuận tiện khiến việc đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại xóm này cũng gặp rất nhiều trở ngại. Ở những xóm này, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 70-100%...
Cũng giống như Võ Nhai, trước đây huyện Định Hóa là một trong những địa phương có hạ tầng giao thông nông thôn vô cùng khó khăn, nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm, ngõ xóm chưa được đầu tư làm bê tông nên các hoạt động giao thương còn gặp nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư sinh sống phân tán nên để hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn cần nguồn lực rất lớn.
Đối với địa bàn huyện Đồng Hỷ, đến hết năm 2015 vẫn còn hơn hơn 30% tuyến đường liên xã, liên xóm vẫn chưa được bê tông hóa. Trong đó, tại một số xóm vùng sâu, vùng xa, như: Mỏ Ba, Lân Quan (xã Tân Long); Bản Tèn (xã Văn Lăng)… vẫn là đường rừng nên đời sống của người dân ở những xóm bản này gặp khó khăn, ít có điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2011, Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai đã thực sự tạo bước ngoặt mạnh mẽ trong hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã huy động được sự hưởng ứng tích cực của bà con, nhiều gia đình đã hiến hàng nghìn m2 đất, cây cối, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn. Tính đến nay, gân 3.300km đường liên xã, trục xóm được bê tông hóa (chiếm 95%).
Bên cạnh đó, năm 2014, thực hiện Đề án 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”, có 15 tuyến đường vào các xóm đồng bào dân tộc Mông được đổ bê tông. Riêng huyện Võ Nhai có 6 tuyến, với chiều dài gần 40km. Đây là điều kiện quan trọng, mở ra cơ hội để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển…
Anh Lý Văn Dĩa (dân tộc Mông) ở xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) vui mừng: Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông vào đến tận xóm nên bà con mới có điều kiện phát triển chăn nuôi. Hiện tại, người dân trong xóm đang chăn nuôi bò, theo hình thức “nuôi vỗ béo”, chuyển từ hình thức chăn thả sang trồng cỏ nuôi bò. Nhờ vậy mà đến hết năm 2019, xóm đã có 5 hộ thoát nghèo…
Ông Hà Huy Giang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Bên cạnh thực hiện làm đường bê tông theo Chương trình Nông thôn mới, thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông mang tính liên kết vùng, đi qua những khu vực nông thôn để bà con đẩy mạnh giao thương, tiêu thụ sản phẩm, như: đường Tràng Xá - Phương Giao - Bắc Sơn (Võ Nhai); đường Hồ Chí Minh (Định Hóa); Linh Nham - Đèo Nhâu - Liên Minh…Nhờ vậy, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi rất lớn, mở ra “con đường” mới, góp phần quan trọng để người dân vùng nông thôn đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.