Khát vọng vượt sông

Cập nhật: Thứ bẩy 13/06/2015 - 07:31
 Ông Nguyễn Xuân Phụ đi trên cây cầu phao do ông tự chế bắc qua sông Cầu.
Ông Nguyễn Xuân Phụ đi trên cây cầu phao do ông tự chế bắc qua sông Cầu.

Một lần đến thực tế tại xã Phú Đô (Phú Lương), tôi được người dân địa phương chỉ cho một con đường trở về T.P Thái Nguyên gần hơn non nửa so với đoạn đường thông thường là đi qua Quốc lộ 3 (16km so với gần 30km).

Họ bảo, qua cầu ông Phụ là sang đến xã Hòa Bình, Minh Lập (Đồng Hỷ) rồi ra Quốc lộ 1B. Cầu do ông Phụ tự làm? - Tôi tò mò. Đến đầu cầu, tôi quan sát thật kỹ trước khi đi qua vì tò mò và thoáng chút nghi ngại về độ an toàn của “dòng” cầu tự chế. Mặt cầu được lát bằng những tấm ván gỗ keo và thanh tre già, dầm cầu là những thân cây nghẹ lớn (một loại cây thuộc họ tre trúc) nối giữa các phao nổi bằng tôn. Tất cả được gắn kết với nhau bằng đinh và dây thép. Ngoài điểm cố định neo vào 2 bờ sông, cầu còn được níu bằng các sợi dây thừng buộc vào một dây thép lớn căng ngang sông. Cảm giác khá yên tâm! Qua sông an toàn, tôi định bụng sớm trở lại để tìm hiểu về “lý lịch” của cây cầu hơn 4 năm qua đã “cõng” cả nghìn lượt người vượt sông.

 

Cách nào qua sông?

 

Dường như không để ý đến cái nắng gay gắt của chiều hè, một ông lão bình thản ngồi trên chiếc ghế con cạnh chòi canh bến, kế bên là cây quạt điện nhỏ và một ấm trà. Lưng ông hơi gù, mắt hướng ra dòng sông, nơi con lũ nhỏ đầu mùa vừa đi qua. Ông là Nguyễn Xuân Phụ sinh năm 1938, cựu chiến binh chống Mỹ từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và mặt trận Lào, Căm pu chia. Chiến đấu gian khổ, hoàn cảnh gia đình khó khăn và bản thân bị bệnh thường xuyên nên mấy chục năm qua cân nặng của ông chưa khi nào vượt quá 41kg. Gầy gò, nhỏ thó nhưng ông tỏ ra khá nhanh nhẹn, linh hoạt…

 

- Cho con qua, lúc về con gửi tiền ông nhé! - Một người đàn ông dừng xe máy rồi cất tiếng. Ông lão khẽ nở nụ cười, nhỏ nhẹ nói: Cứ đi, nhưng làm chén nước đã! Rồi ông nhanh tay bưng chén nước chè mời người khách vẫn đang ngồi trên xe.

 

Biết tôi làm báo, ông Phụ có vẻ hơi e ngại và giữ kẽ. Ông thanh minh: Tôi biết việc tự ý làm cầu qua sông là không đúng, cơ quan chức năng và chính quyền phạt tôi chịu, nhưng... Chưa cần ông nói hết ý, tôi đã hiểu một lẽ hiển nhiên: Những người dân sinh sống 2 bên bờ sông, trong đó có gia đình ông luôn có nhu cầu qua lại, giao thương. Không có cây cầu của ông thì họ buộc phải tìm cách để vượt sông như qua các bến đò ngang nơi khác hoặc tự sắm đò nhỏ bơi qua sông.

 

Xã Phú Đô là vựa chè của huyện Phú Lương, nhưng sản phẩm chè ở đây chưa có thương hiệu, người dân bươn bả một nắng hai sương sản xuất chè búp khô rồi lại vất vả tìm đầu ra. Hầu hết họ phải mang chè sang bán tại chợ Cài, chợ Hích huyện Đồng Hỷ bên kia sông (giá chè cao hơn tại xã từ 20% đến trên 30% mà lại dễ bán). Cả một dải sông Cầu, những địa bàn lân cận với xã Phú Đô, từ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đến xã Vô Tranh (Phú Lương) chưa có cây cầu nào được Nhà nước xây dựng - trừ cầu treo Tân Yên (thuộc xã Hòa Bình) sắp hoàn thành, cách bến ông Phụ khoảng 5km, đường khó đi.

 

Ông Nguyễn Xuân Phụ và vợ (bà Nguyễn Thị Đô) sinh được 6 người con, trong đó có 3 người làm dâu, rể bên kia bờ sông. Không cầu, không đò, ông bà, con cháu muốn thăm hỏi nhau, hoặc có việc lớn nhỏ cần qua sông cũng đành chịu, sản phẩm chè làm ra ứ đọng. Thế nên năm 1995, ông quyết đóng đò gỗ vượt sông, lúc đầu chỉ để phục vụ gia đình, sau đó hễ ai có nhu cầu là ông chở qua sông và thu một khoản phí nhỏ. Rồi ông nâng cấp thành đò sắt, đò tôn, lượng khách đông dần, tỷ lệ thuận với năng suất chè và nhu cầu giao thương của người dân (lúc đó bến đò của ông cơ bản đảm bảo các tiểu chuẩn an toàn theo quy định).

 

“Tôi tuyệt đối không muốn vi phạm pháp luật”

 

Sức lực suy giảm theo quy luật sinh - lão, ông không còn đủ sức chèo đò đưa người qua sông, nhưng nhu cầu qua lại hai bên bờ sông của người dân không hề giảm. Ông suy nghĩ rồi quyết định táo bạo: làm cầu phao. Ý tưởng đó được các thành viên trong gia đình và người hàng xóm bên kia sông, ông Trương Văn Quang (ở xóm Tân Thành, xã Hòa Bình, Đồng Hỷ) hưởng ứng. 2 người nông dân ngồi lại với nhau, viết, vẽ, thống nhất kế hoạch làm cầu. Họ tính toán, căn ke sao cho cầu đạt độ an toàn cao nhất nhưng chi phí thấp nhất có thể. Nhiều khối gỗ, sắt thép được tập kết về bến, những chiếc phao bằng tôn được đặt hàng sản xuất. Mọi thứ được chuẩn bị kỹ càng, ngày khởi công mỗi gia đình huy động gần 10 người đến giúp sức và chỉ trong vài ngày, “cầu ông Phụ” đã hoàn thành, sẵn sàng đưa khách qua sông. Không tính công và nhiều loại chi phí phụ khác, cây cầu “ngốn” hết 98 triệu đồng (mỗi gia đình góp một nửa). Đó là thời điểm đầu năm 2011.

 

“Giữ cầu vất vả hơn chăm con mọn anh ạ” - bà Đô tham gia vào câu chuyện. Rồi 2 ông bà thay nhau giải thích: Mùa lũ về, không đêm nào chúng tôi ngủ ngon, có tiếng sấm ì ùng ở đầu nguồn là phải sẵn sàng tư thế “cắt cầu”. Theo thiết kế thì nước lên, cầu nổi nhưng khi có lũ lớn, củi gỗ trôi về mắc ở cầu, nếu không cắt nhanh thì cầu sẽ trôi mất. Khi đó, mỗi gia đình sẽ cử người đến vị trí giữa cầu tháo các nút buộc để 2 nửa cầu tự dạt về 2 bờ sông. Nước rút lại hò nhau bới cát, bới củi rác để tìm cầu rồi “hợp long” cho khách qua sông kịp phiên chợ chè… Hơn 4 năm “chăm bẵm” cây cầu, ông Phụ không nhớ nổi đã bao lần phải “cắt cầu” để đảm bảo an toàn cho nó và nhất là để ngăn chặn những người cố tình muốn qua sông khi lũ lớn. Ông kể: Có khi đang đêm cũng phải hô con cháu giúp cắt cầu, hoặc có ngày phải cắt vài lần vì thuyền bè qua lại, vất lắm…

 

 

Ngoài cầu phao ông Phụ thì trên địa bàn xã Phú Đô còn có 1 bến đò ngang (bến ông Đông) tại xóm Phú Nam 6 và cầu phao tự chế ở xóm Cúc Lùng (làm sau cầu phao ông Phụ). Hàng ngày, nhất là vào những phiên chợ có hàng chục đến hàng trăm lượt người qua lại hai bên bờ sông qua các bến này. Ông Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Chúng tôi đã một số lần nhắc nhở, lập biên bản vì không đảm bảo an toàn nhưng các bến vẫn hoạt động do nhu cầu của người dân. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, xã đã đề nghị các cấp, ngành cần sớm khảo sát để xây dựng cầu cho người dân qua sông.

 

Từ khi có cầu, trừ lúc đau bệnh hay có việc bất đắc dĩ, ngày nào ông Phụ cũng trực tại chòi canh nhỏ đầu đường dẫn xuống cầu, nơi có chiếc ba-ri-e bằng cây tre với tấm biển treo dòng chữ “dắt xe qua cầu”. Trực ở đó, ngoài việc thu phí (khách qua từ bên nào thì gia đình bên đó thu phí), ông còn nhắc nhở mỗi người qua sông hãy dắt xe, đi cẩn thận để đảm bảo an toàn. Đó cũng là niềm vui của ông khi được gặp gỡ, được nhận lời cảm ơn chân thành từ những người hàng xóm, những khách hàng sử dụng sản phẩm ra đời từ ý tưởng táo bạo và sự tâm huyết của ông. Ông bảo: “Người đi xe máy tôi thu 5 nghìn đồng, xe đạp 3 nghìn, đi bộ thì 2 nghìn. Khi có đám hiếu, hỷ của bà con, tôi thu rẻ hơn hoặc không thu phí, có lúc “thả cửa” cho mọi người đi qua. Nguồn thu không nhiều, có ngày chỉ được vài chục nghìn nhưng nguồn vui thì lớn lắm”.

 

Ông vui, bà con trong vùng cũng rất vui vì cái sự tiện và lợi khi có cầu. Anh Tạ Minh Lập, một người dân ở xóm Phú Nam 7 bảo rằng: Ông ấy thu 5 nghìn chứ 10 nghìn chúng tôi vẫn qua. Xuống thành phố thì gần được nửa đường, đi chợ bán chè thì chỉ hơn chục phút là tới nơi. Người dân mong chờ một cây cầu do Nhà nước đầu tư đã quá lâu mà chưa thấy, ai đó bảo cầu ông Phụ mất an toàn còn chúng tôi thấy trước mắt nó rất tiện ích.

 

Cũng từ khi cây cầu đi vào hoạt động, cơ quan chức năng, chính quyền xã đã một số lần đến nhắc nhở, lập biên bản xử phạt vì không đảm bảo an toàn. Ông Phụ ngậm ngùi: Cầu dân tự bắc rất khó đảm bảo các quy định an toàn của Nhà nước vì chúng tôi không có bằng cấp chuyên môn cũng chẳng có nhiều tiền. Tôi tuyệt đối không muốn vi phạm pháp luật nhưng anh xem, thực tế nhu cầu đi lại của người dân như thế!

 

 … Câu chuyện về một lão nông gầy gò, nhỏ thó bao năm lái đò rồi gom tiền bắc cầu qua sông đủ để chứng minh nhu cầu và khát vọng vượt sông lớn lao của không chỉ riêng ông. Cưỡng chế dừng hoạt động hay “cứ” để dân đi qua cầu ông Phụ? Tôi hình dung đến một bài toán đặt ra cho các cấp, ngành chức năng, gồm các “tham số”: Nhu cầu và đặc biệt là sự an toàn của người dân, vấn đề phát triển giao thương và vốn đầu tư. Đáp án đúng nhất và cũng là ao ước bấy lâu của người dân nơi đây là Nhà nước cần sớm cho xây dựng một cây cầu tại khu vực này.

Trần Quyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: