Khi an toàn giao thông là một phần của cuộc sống

Cập nhật: Thứ hai 26/03/2018 - 17:17
 Nữ sinh Phạm Thị Hảo (bên phải) tuyên truyền về an toàn giao thông tại cổng Trường THPT Khánh Hòa (T.P Thái Nguyên).
Nữ sinh Phạm Thị Hảo (bên phải) tuyên truyền về an toàn giao thông tại cổng Trường THPT Khánh Hòa (T.P Thái Nguyên).

Mỗi ngày phải vượt 14 km từ nhà đến trường và ngược lại, nữ sinh Phạm Thị Hảo (lớp 11A7, Trường THPT Khánh Hòa, T.P Thái Nguyên) đã thấy được những tồn tại, cũng như kỹ năng phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông. Những cảm nhận sâu sắc từ thực tế ấy được trình bày trong trang viết cuộc thi Quốc gia “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2017-2018 đã đưa Hảo đến vòng chung kết Quốc gia và vinh dự giành giải Nhì.

Như đã trở thành một phản xạ tư nhiên, mỗi sáng chuẩn bị đến trường học là lúc trên tivi phát bản tin về trật tự an toàn giao thông (ATGT), Hảo lại tranh thủ vừa thủ chuẩn bị tư trang, kiểm tra chiếc xe đạp và nghe các thông tin về giao thông trên cả nước. Ngày nào cũng lặp lại như vậy như để nhắc nhở cho Hảo những kỹ năng phòng tránh tai nạn và quan trọng hơn chính là an toàn cho bản thân cũng là an toàn cho mọi người, cho cộng đồng.

Từ khi học lớp 10, Hảo đã được gia đình cho tự đi xe đạp đến trường nên em luôn ý thức đã tham gia giao thông phải an toàn và đúng luật. Muốn như vậy thì trên đường phải tập trung lái xe để bảo đảm ATGT cho mình và cho mọi người. Bên cạnh đó là thái độ, nhận thức phải luôn nâng cao để ứng xử tình huống giao thông an toàn. Từ cách chú ý và ý thức đến từng hành vi dù là nhỏ nhất khi tham gia giao thông, Hảo đã tự tay giúp cha, mẹ chăm sóc phương tiện an toàn như: bảo dưỡng phanh hãm, bơm, vá xăm, kiểm tra hơi, lốp xe, bảo dưỡng các chi tiết chuyển động của xe lúc nào cũng an toàn.

Đặc biệt, trên quãng đường 7km, Hảo luôn chủ động làm quen các hộ gia đình ven đường để khi bản thân, bạn học cùng đường gặp sự cố về phương tiện, sức khỏe… là đến nhờ cá gia đình đó trọ giúp, thậm chí hỗ trợ sửa xe, hoặc gửi lại xe, nhờ gọi người thân đến giúp. Hảo cho biết thêm: Do quãng đường xa, chủ yếu là phục vụ lưu thông nông thôn, lại được làm cách đây 10-20 năm, xuống cấp, hoặc theo phương án xây dựng cũ. Khi đó còn ít xe máy, ô tô đi lại, chủ yếu là phương tiện thô sơ và đi bộ, nên có nhiều điểm khuất, khúc cua gấp, hoặc đường hẹp…Chính vì vậy, nhiều lần Hảo đã tự lấy sơn đỏ vẽ chữ cảnh báo nguy hiểm lên các vỏ thùng xốp trắng phế liệu, rồi cài lên bờ rào cách các khúc cua gấp khoảng 20-30m để tạo sự chú ý đối với người tham gia giao thông.

Trở lại vòng Chung khảo cuộc thi Quốc gia “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” do Công ty HonDa Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an tổ chức cho học sinh phổ thông đầu tháng 3-2018, bài tự luận chỉ có 3 trang viết trên giấy A4 của thí sinh Phạm Thị Hảo đã vượt qua các vòng sơ tuyển, vòng thi cấp tỉnh và qua hàng chục nghìn thí sinh trên toàn quốc để vào dự thi chung kết. Phạm Thị Hảo tâm sự: “Bản thân em chỉ là học sinh vùng nông thôn, không đại diện cho những đối tượng và cũng không phải là người biết nhiều về thực tế các loại hình giao thông ngay trên địa bàn thành phố hay cao tốc… Nên em chỉ có một suy nghĩ là hiểu biết đến đâu thì thể hiện đến đó. Nhưng kể cả không có giải thì em cũng vẫn quyết tâm trả lời đủ các ý cơ bản từ câu hỏi, tình huống mà giám khảo đặt ra, để chứng minh mình là người hiểu biết và chấp hành tốt các quy định về trật tự ATGT”.

Với câu hỏi tự luận: “... Những nguy cơ tiểm ẩn và biện pháp bảo đảm ATGT tại nơi bạn đang sống, từ thực tế một vụ việc tai nạn giao thông mà bạn biết…”, Phạm Thị Hảo chỉ có 3 phút chuẩn bị và 3 phút thuyết trình trước hàng nghìn khán giả và nhiều chuyên gia về ATGT. Hảo đã bình tĩnh nghĩ và nhớ lại hình ảnh khúc cua đường làng, xe máy đâm vào xe đạp đi ngược chiều, khiến cả hai người điều khiển xe đạp, xe máy đều phải nhập viện cấp cứu và để lại thương tật suốt đời mà em chứng kiến khi học lớp 10. Phạm Thị Hảo đã đưa ra những dữ liệu thuyết phục Ban Giám khảo: "Tai nạn giao thông gồm có cả ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, những còn có cả hạ tầng giao thông chưa đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội…Nhịp sống hối hả, con người điều khiển phương tiện giao thông như vội vã hơn và cẩu thả hơn... nên tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn và ập đến bất cứ lúc nào khi những yếu tố: Ý thức, điều kiện hạ tầng giao thông, chất lượng phương tiện giao thông không được đề cao…”.  

Ba phút ngắn ngủi đã để lại bao ấn tượng đẹp trong lòng khán giả về một nữ sinh từ vùng nông thôn ngoại thành T.P Thái Nguyên. Phạm Thị Hảo đã vinh dự bước lên bục vinh quang nhận giải Nhì cấp Quốc gia về ATGT để chung tay cùng mong ước “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”.

Trinh An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: