Chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường: Tìm lời giải cho “bài toán” khó
Không thể cứ "Ném đá ao bèo" (Bài II)
Được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho phóng viên về công tác quản lý trật tự đô thị, giao thông trên địa bàn, anh Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố chuẩn bị một tập tài liệu rất dày. Trong đó có một loạt văn bản chỉ đạo, chỉ thị, kế hoạch, thông báo, đôn đốc, quyết định của chính quyền thành phố từ đầu tháng 3 tới nay, anh Tuấn khẳng định: Chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng gặp nhiều khó khăn nên kết quả chưa đạt như mong muốn…
Người thi hành công vụ bị lăng mạ, tấn công
Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh: Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này trước tiên cần phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã và quan tâm đầu tư, bố trí địa điểm kinh doanh phù hợp. Đồng thời sớm hoàn thiện việc cắm mốc lộ giới, xác định rõ hành lang ATĐB - nội dung này, ngành Giao thông đang tích cực triển khai. |
Ông Hoàng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương (Phú Bình): Xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn xã vì nhu cầu kinh doanh lớn trong khi địa phương chỉ có 1 chợ nhỏ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo xử lý thường xuyên, kiên quyết hơn, đồng thời đề nghị sớm hoàn thiện chợ nông sản Xuân Phương. |
Từ tháng 3-2016 đến nay, thực hiện Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 23/3/2016 và Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 9/3/2016 của UBND T.P Thái Nguyên về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của lãnh đạo thành phố, Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức nhiều đợt cao điểm theo kế hoạch từng ngày, từng tuần nhằm xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường. Đội có sự phối hợp, hỗ trợ thường xuyên của lực lượng Công an và bảo vệ dân phố nhằm giải tỏa các điểm “nóng” sau đó bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Anh Nguyễn Tô Vũ, Đội phó Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông T.P Thái Nguyên cho biết: Ngoài 13 cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ, chúng tôi đã trưng tập thêm lực lượng ở các phường, xã, chia làm nhiều tổ triển khai cả thời gian ngoài giờ hành chính, đặc biệt là vào cuối giờ chiều; dàn quân để tuần tra, xử lý vi phạm tại nhiều điểm “nóng” trên khắp địa bàn.
Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến tháng 6 vừa qua, Đội đã ban hành 14 văn bản đôn đốc các xã, phường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự giao thông và mỹ quan đô thị, tháo dỡ 120 băng zôn không đúng quy định, tạm giữ 400 tang vật vi phạm; tham mưu cho UBND Thành phố xử phạt trên 86 triệu đồng; chuyển 312 biên bản vi phạm hành chính cho chính quyền cấp xã xử phạt theo thẩm quyền. Cũng trong thời gian đó, các xã, phường trên địa bàn đã tổ chức cho gần 15.000 trường hợp ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; nhắc nhở 877 trường hợp; tạm giữ 1.518 tang vật vi phạm, thu giữ và tiêu hủy 1.487kg rau củ quả… Nhiều cấp ủy cấp xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác quản lý trật tự đô thị, chỉ đạo triển khai nhiều đợt rà soát, thống kê, xử lý vi phạm hành lang giao thông.
Cùng với T.P Thái Nguyên, nhiều địa phương khác cũng đã và đang thể hiện quyết tâm lập lại trật tự hành lang ATĐB. Theo anh Ngô Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Phổ Yên, từ đầu năm đến nay Thị ủy, UBND thị xã đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự đô thị, hành lang giao thông. Chỉ đạo triển khai nhiều đợt kiểm tra, giải tỏa gần 50 công trình xây dựng, lều quán vi phạm hành lang, tạm giữ 18 xe bán hàng lưu động và nhiều tang vật khác. Tại huyện Phú Lương, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ đầu năm, huyện tích cực phối hợp với các cơ liên quan rà soát tình trạng vi phạm hành lang ATĐB tuyến Quốc lộ 3 cũ chạy qua địa bàn, xử phạt 4 trường hợp xây dựng vi phạm với tổng số tiền 37,5 triệu đồng; tổ chức giải tỏa nhiều nhiều lều lán, mái vảy, biển quảng cáo trái phép... Cùng với các địa phương, lực lượng thanh tra của Sở Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Khi các lực lượng chức năng làm quyết liệt thì sự chống đối của những người vi phạm cũng gia tăng. Mới đây nhất là vào tháng 6 và đầu tháng 7, 2 cán bộ của Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông T.P Thái Nguyên khi thi hành nhiệm vụ tại khu vực đường Bến Oánh đã bị những người vi phạm, tấn công phải nhập viện. Trước đó, 1 cán bộ làm công tác quản lý đô thị của phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) cũng đã bị tấn công khi đang lập biên bản thu giữ tang vật vi phạm hành lang trên địa bàn; 1 cán bộ tuần đường của đơn vị thuộc Sở Giao thông - Vận tải cũng bị hành hung. Ngoài ra, theo những người trực tiếp làm công tác này thì bản thân họ và đồng nghiệp đã không ít lần bị người vi phạm lăng mạ, xúc phạm khi thi hành nhiệm vụ.
Những giải pháp bền vững?
Sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan, sự phức tạp trong công tác đảm bảo hành lang ATĐB đã thấy rõ. Không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả đã đạt được, nhưng nhiều người vẫn hay ví các giải pháp đang triển khai như “Ném đá ao bèo” hoặc “bắt cóc bỏ đĩa”. Bởi những kết quả trong xử lý vi phạm, giải tỏa hành lang vẫn thiếu bền vững, tình trạng tái vi phạm, tái lấn chiếm diễn ra phổ biến. Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Triều, có người bán hàng lấn chiếm lòng đường chỉ trong 1 tháng đã bị phường xử phạt hành chính 3 lần với tổng số tiền gần 600 nghìn đồng nhưng vẫn tái phạm.
Vì mưu sinh, nhiều người dân cố tình vi phạm dù nhận thức rõ việc làm của mình. Nguyên nhân chính là do thiếu chợ, thiếu điểm kinh doanh phù hợp trong khi nhu cầu mua bán của người dân gia tăng không ngừng. Bên cạnh đó, thói quen chọn địa điểm mua bán tùy tiện, không muốn phải nộp phí kinh doanh, sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật của không ít người cũng khiến cho công tác đảm bảo “đường thông hè thoáng” gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, trong khi chợ Thái, chợ Túc Duyên, chợ Đồng Quang, chợ Quan Triều (T.P Thái Nguyên); chợ Quang Sơn, Sông Cầu (Đồng Hỷ); chợ La Hiên (Võ Nhai); chợ Thượng Đình (Phú Bình)… đều còn nhiều chỗ trống vào thời điểm cuối ngày nhưng người dân vẫn tràn ra đường mua bán. Điều này cũng cho thấy, chính quyền cấp xã một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Anh Dương Xuân Chinh, Trưởng Công an xã Xuân Phương (Phú Bình) thừa nhận: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chưa lập được biên bản vi phạm hành lang giao thông nào, một phần cũng vì nể nang “người làng, người xã”.
Thiếu kinh phí, lực lượng và phương tiện cũng là một nguyên nhân được nhiều địa phương nêu ra khi nói về những khó khăn trong công tác đảm bảo trật tự lòng đường và hàng lang ATĐB.
Ngoài ra còn một nguyên nhân quan trọng khiến công tác quản lý hành lang ATĐB, nhất là trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ gặp nhiều khó khăn là nhiều đoạn tuyến chưa được cắm mốc lộ giới, xác định hành lang rõ ràng, chưa đền bù giải tỏa để giao cho đơn vị và địa phương quản lý. Ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông Vận tải) cho rằng: Nhiều khu vực đất hành lang vẫn thuộc “sổ đỏ” của người dân nên cơ quan chức năng rất khó xử lý khi họ xây dựng, trồng cây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và công trình…
Có thể nói, thực trạng vi phạm phổ biến và những khó khăn trong ngăn chặn việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang ATĐB đang là “bài toán” khó. Tình trạng này không thể giải quyết dứt điểm trong “một sớm một chiều” và đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính bền vững hơn. Theo nhiều ý kiến thì cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, các cấp, ngành liên quan cần triển khai thường xuyên, kiên trì, hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Đồng thời phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm, không nể nang, né tránh. Về lâu dài là việc quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là chợ truyền thống, xây dựng các điểm kinh doanh phù hợp, thu phí thấp để phục vụ người dân vùng nông thôn. Mặt khác cần chuyên nghiệp hóa, bổ sung nhân lực, kinh phí, phương tiện cho lực lượng làm công tác này; khẩn trương triển khai các nội dung trong chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh về kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATĐB, đường sắt giai đoạn 2014-2020…