Giảm thiểu tai nạn Giao thônG do xe buýt: Trách nhiệm từ nhiều phía
Kỳ 1: Nỗi ám ảnh trên những cung đường

Cập nhật: Thứ ba 23/06/2020 - 09:40
 Lực lượng chức năng kiểm tra điều kiện hoạt động của xe buýt trên tuyến Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên).
Lực lượng chức năng kiểm tra điều kiện hoạt động của xe buýt trên tuyến Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên).

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2006, đến nay hệ thống xe buýt ở tỉnh đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nội thị. Tuy nhiên, việc một số lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, gây tai nạn… đã khiến xe buýt trở thành nỗi ám ảnh trên đường đối với người tham gia giao thông.

Nhiều vụ tai nạn từ xe buýt

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 10 vụ xe buýt gây tai nạn giao thông (TNGT). Điển hình là ngày 14-6, đã xảy ra 2 vụ TNGT liên quan đến xe buýt số 28 và số 30. Sáng 14-6, xe buýt số 30, biển kiểm soát (BKS) 20B015.01, lộ trình từ Khu di tích 915 - Định Hóa, đến khúc cua khu vực xã Phú Tiến (Định Hóa) lái xe không giảm tốc vì đường trơn trượt và tránh xe bồn chở xăng BKS 20R00.878 nên mất lái lao xuống ao ven đường. Chiều cùng ngày, tại khu vực cầu Đồng Danh, xã Yên Ninh (Phú Lương), xe buýt số 28, BKS 20B-014.07 do chạy nhanh không làm chủ được tốc độ đã lao vào hộ lan đường. Trước đó, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 8-6, xe buýt số 06, BKS 20B015.26 vượt đèn đỏ ở khu vực đường Việt Bắc, thuộc phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đã đâm va với xe ô tô tải BKS 29C-148.60. Rất may các vụ việc không có thiệt hại về người.

Ông Trần Hoàng anh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải: Hiện nay, lực lượng Thanh tra giao thông đang gặp khó trong công tác xử lý các xe buýt dừng lâu tại điểm dừng, đón trả khách do chưa có quy định về thời gian dừng tối đa của xe buýt tại điểm dừng, đón trả khách. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, khi có đủ cơ sở pháp lý, sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Thế nhưng, không phải tai nạn xe buýt nào cũng may mắn không để lại hậu quả đáng tiếc như những vụ việc nêu trên. Có lẽ nhiều người chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ tai nạn xảy ra vào 17 giờ 20 phút ngày 23-5 do lái xe buýt điều khiển phương tiện vượt sai quy định. Thời điểm trên, lái xe Phạm Hà Hiệp, sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú: Phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) điều khiển xe buýt BKS 20B-014.80 trên đường Lương Ngọc Quyến từ hướng Đồng Quang đi ngã ba Mỏ Bạch (T.P Thái Nguyên). Đến đoạn tổ 9, phường Hoàng Văn Thụ, lái xe điều khiển xe sang phần đường bên trái để vượt ô tô phía trước thì bất ngờ phát hiện có ô tô khác chạy ngược chiều đến nên đã đánh lái sang phải. Cú đánh lái khiến phần đầu xe buýt va chạm vào xe mô tô BKS 20M4-5388 do anh Đặng Văn Thắng, sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú tổ dân phố Giang Long, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) điều khiển. Hậu quả, anh Thắng ngã xuống đường bị bánh lốp sau xe buýt đè qua đầu, tử vong tại chỗ.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình về việc xe buýt gây tai nạn trong thời gian gần đây. Thực tế, lái xe buýt điều khiển phương tiện thiếu cẩn trọng, thiếu văn hóa, coi thường pháp luật để xảy ra va chạm, xích mích với các phương tiện tham gia giao thông chung tuyến vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ khiến xe buýt trở thành nỗi ám ảnh của người dân tham gia giao thông trên mỗi cung đường. 

Nguyên nhân của tình trạng mất an toàn

Xã hội phát triển, lượng phương tiện cá nhân tăng vọt, các loại hình vận tải hành khách công cộng ngày càng đa dạng, hiện đại, cạnh tranh với xe buýt truyền thống. Trong khi đó, giá vé xe buýt rẻ, lại vắng khách khiến một số nhà xe chưa có điều kiện nâng cấp, thay thế phương tiện nên đa phần các xe xuống cấp, gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Xe buýt vượt đèn đỏ ở khu vực đường Việt Bắc, thuộc phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) gây tai nạn giao thông.

Từ năm 2006 đến nay, đã có 30 tuyến xe buýt được quy hoạch và khai thác của 7 doanh nghiệp, nhưng nhiều tuyến hoạt động kém hiệu quả, bởi thế 2 đơn vị phải dừng tuyến hoặc sang nhượng do thua lỗ. Trước thực tế này, để tăng nguồn thu, nhiều lái xe phải kéo dài thời gian tại các nhà chờ, trạm dừng để tranh khách, hành lý ký gửi của các xe buýt có lịch trình chạy trùng nhau, bởi thế lái xe cố tình điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu. Điển hình như tuyến 06 và tuyến 30 có quãng đường trùng nhau gần như toàn bộ. Ngoài ra, tuyến 28 cũng trùng với hai tuyến này đoạn từ T.P Thái Nguyên đến Km31 Quốc lộ 3 (khoảng 60% tuyến đường). Chưa kể, mỗi doanh nghiệp đều có quy định riêng về việc mỗi tuyến phải chạy đúng lộ trình trong khoảng thời gian nhất định. Do đó, nếu lái xe dừng, đỗ trả khách ở điểm hoặc ngoài điểm vượt quá thời gian quy định, sẽ ảnh hưởng đến tổng thời gian chung nên họ phải tăng ga nhanh cho kịp giờ, dẫn tới các vụ TNGT. 

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) bức xúc: Vì đặc thù công việc, tôi thường xuyên đi xe buýt để xuống T.P Thái Nguyên. Không ít lần, tôi và các hành khách trên xe phát hoảng vì lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, “cắt” đầu xe máy, nhất là khi đón, trả khách. Tài xế còn thường xuyên sử dụng điện thoại khi đang lái xe, phụ xe thì thái độ phục vụ thiếu ôn hòa, lịch sự. Một số lái xe buýt cố tình vượt đèn đỏ hoặc chạy quá tốc độ nên đã gây tai nạn giao thông. 

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh): Qua công tác tuần tra liên quan tới các phương tiện vận tải hành khách, trong đó có xe buýt, chỉ tính riêng đợt cao điểm ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông từ 155 đến hết 14-6 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 370  trường hợp xe vận tải hành khách vi phạm trật tự ATGT, trong đó có 35 trường hợp xe buýt. Các lỗi vi phạm chủ yếu à: Chạy quá tốc độ; không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; đón, trả khách không đúng nơi quy định; chở hàng trong khoang hành khách, các thiết bị an toàn (đèn, dây) không đảm bảo…

Cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông, hàng năm, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải cũng thanh, kiểm tra các doanh nghiệp vận tải xe buýt theo kế hoạch thường niên và kiểm tra đột xuất khi có ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở hoặc đơn thư phản ánh của người dân và thông tin từ báo chí. Giai đoạn 2017-2019, qua 12 lượt thanh, kiểm tra đối với 7 đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt trên địa bàn, đã phát hiện, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính với số tiền gần 45 triệu đồng.

Trên địa bàn tỉnh có 11 tuyến xe buýt đang hoạt động do 5 đơn vị doanh nghiệp khai thác, với tổng cộng 158 xe, chiều dài các tuyến xe buýt từ 26-77km, tần suất trung bình từ 15-40 phút/chuyến. Hành trình xe chạy 50-180 phút mỗi chuyến.
Hoài Anh - Linh Lan
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: