Lấn chiếm lòng, lề đường bán hàng gây mất an toàn giao thông
Đoạn đường trước cổng Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Khu Công nghiệp Sông Công 1, phường Bách Quang). |
T.P Sông Công hiện có trên 12.000 công nhân, làm việc tại hơn 300 doanh nghiệp. Vào giờ cao điểm (khoảng 7 giờ và 17 giờ 30 phút) hằng ngày, tại cổng các công ty, nhà máy luôn xảy ra tình trạng bán hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Có mặt tại cổng Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Khu công nghiệp Sông Công 1, phường Bách Quang) vào lúc 7 giờ một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi thấy lượng người và phương tiện tham gia giao thông ở khu vực này khá đông. Tiếng còi ô tô, xe máy inh ỏi. Nhiều hàng, quán bán đồ ăn sáng, nước giải khát “lưu động” bán hàng sát lòng đường. Công nhân, người đi đường dựng xe ngay dưới lòng đường để mua hàng. Chợ cóc “mọc lên”, phục vụ nhu cầu mua hàng của công nhân. Những túi nilon đựng rác, bã mía vứt bừa bãi, ruồi nhặng bu đầy gây mất vệ sinh.
Đầu giờ sáng cũng là lúc nhiều xe chở hàng, vật liệu cồng kềnh lên đến hàng chục tấn đi qua khu vực này để vào các công ty, nhà máy ở khu công nghiệp khiến cho đoạn đường trên càng trở nên chật hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Chị Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên Trường THCS Lương Sơn, cho biết: Hầu như sáng nào tôi cũng đi qua đoạn đường này để đi làm. Tôi thấy lượng người và phương tiện tham gia giao thông quá đông. Có những hôm tắc đường lâu (vì phải chờ xe chở vật liệu dài quay đầu vào các nhà máy), tôi đã bị muộn giờ lên lớp.
Không riêng đoạn đường trước cổng Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Trường Tín, Công ty TNHH Wiha Việt Nam,… mà tại cổng Công ty Shinwon (phường Cải Đan) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Nhật Lệ, người bán hàng trước cổng Công ty cho hay: Vẫn biết là bán hàng sát lòng đường nguy hiểm, nhưng nếu không làm vậy thì tôi sẽ ít khách, giảm thu nhập.
Nhiều người dân sống gần các công ty, nhà máy cho biết, lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông vào giờ cao điểm đã khiến những đoạn đường trên thường xảy ra các vụ va chạm giao thông.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngọc Kiên Định, Trưởng Ban Quản lý trật tự và xây dựng giao thông Thành phố thông tin: Tình trạng mất an toàn giao thông tại cổng các công ty, nhà máy diễn ra đã lâu. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự cơ động (Công an Thành phố) trực tại những điểm trên vào giờ cao điểm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt thì người dân chấp hành, nhưng khi chúng tôi vừa đi khỏi thì tình trạng trên lại tái diễn nên khó khăn cho công tác xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ trật tự tại các xã, phường có các công ty, nhà máy đóng trên địa bàn thường xuyên trực vào giờ cao điểm. Nếu kiểm tra bất chợt mà không có cán bộ trực, chúng tôi ghi sổ, cuối tuần báo cáo lãnh đạo UBND Thành phố để có biện pháp xử lý.
Cũng theo báo cáo của Đội Trật tự xây dựng và giao thông Thành phố, từ đầu năm đến nay, Đội đã kiểm tra, nhắc nhở và xử lý 550 trường hợp vi phạm về bày bán hàng, đỗ xe, đặt biển quảng cáo sai quy định và tạm giữ nhiều tang vật. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều ở cổng các công ty, nhà máy. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm lại quá ít (chỉ hơn 6 triệu đồng) nên không đủ sức răn đe, nhiều trường hợp đã bị phạt nhưng vẫn cố tình tái phạm nhiều lần.
Thực tế cho thấy, lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông ở khu vực các công ty, nhà máy đã gây cản trở, mất an toàn giao thông, trong khi lực lượng để nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm lại quá mỏng khiến cho tình trạng trên tái diễn hằng ngày mà không có biện pháp xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là những người bán hàng và người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức tự giác để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.