Lộ trình cấm xe máy vào nội đô Hà Nội có khả thi?

Cập nhật: Thứ tư 21/06/2017 - 09:18
 Xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân TP Hà Nội.
Xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân TP Hà Nội.

Ðưa ra lộ trình cấm xe máy đi vào nội đô vào năm 2030, các cơ quan liên quan của TP Hà Nội đã “gây bão” trong dư luận, người khen, kẻ chê. Ðể có thể thực hiện lộ trình này, Hà Nội sẽ thực hiện hàng loạt các biện pháp đồng bộ, như thu phí phương tiện ở một số khu vực và giờ cao điểm; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, mở rộng mạng lưới xe buýt...

Bỏ dần xe máy

 

Bất cứ đô thị nào trên thế giới đều phải có những chính sách để quản lý phương tiện giao thông phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng, TP Hà Nội cũng không nằm ngoài điều đó. Thực tế, tốc độ tăng phương tiện giao thông của TP Hà Nội rất lớn (10%/năm với ô-tô), trong khi kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3 đến 4%/năm, quỹ đất dành cho giao thông hằng năm tăng chưa đến 1%, không tương xứng sự phát triển phương tiện, dẫn đến ùn tắc giao thông gia tăng, trở thành vấn nạn của Thủ đô. Ðặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng báo động, với khí thải của phương tiện giao thông chiếm đến 70%.

 

TP Hà Nội đã xây dựng lộ trình đến 2030 sẽ hạn chế xe máy đi vào khu vực nội đô, hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; giảm dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; trong đó, chủ yếu là xe máy. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện, thành phố có đầy đủ căn cứ pháp lý để triển khai hạn chế xe máy.

 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội phải có biện pháp quản lý phương tiện giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, HÐND thành phố cũng đã có Nghị quyết 06/2015/NQ-HÐND ban hành ngày 1-12-2015 về chương trình mục tiêu nhằm giảm ùn tắc giao thông đến năm 2020. Dự kiến, trong kỳ họp HÐND thành phố vào tháng 7 tới, Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về quản lý phương tiện giao thông.

 

Xoay quanh lộ trình cấm xe máy đi vào nội đô, nhiều chuyên gia và người dân cũng bày tỏ ý kiến băn khoăn. Một số chuyên gia đặt câu hỏi: Ðâu là căn cứ pháp lý để Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại khu vực các quận nội thành? Bà Trần Thị Kim Ðăng, Trường đại học GTVT Hà Nội nhận định, việc cấm xe máy hoạt động ở khu vực nội đô là cần thiết nhưng sẽ rất khó thực hiện. Xét về mặt lý thuyết, cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế. Tuy nhiên, hiện nay phương tiện công cộng còn hạn chế, các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt phân bố rất xa nơi dân ở. Trong khi đó, người dân cũng chưa có thói quen đi bộ với khoảng cách xa.

 

Từ nay đến năm 2030, với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải công cộng khối lượng lớn, như đường sắt đô thị, các tuyến đường BRT, nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng, Hà Nội sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực nội thành, cũng như bảo đảm kết nối các tỉnh, thành phố khác, qua đó hạn chế phương tiện cá nhân. “Lộ trình này có thời gian tương đối dài để các doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân từng bước thay đổi thói quen đi lại, để đến năm 2030 Hà Nội sẽ đủ điều kiện dừng hoạt động xe máy đi vào khu vực nội đô” - ông Vũ Văn Viện nhấn mạnh.

 

Vận tải công cộng có đủ thay thế?

 

Theo đó, để các biện pháp được thực hiện một cách đồng bộ, TP Hà Nội sẽ không quản lý phương tiện kiểu hành chính, mà chủ yếu sử dụng biện pháp kinh tế để điều chỉnh mức độ mua và sở hữu phương tiện giao thông, hạn chế số lượng tham gia giao thông phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng. Ðề án sẽ nghiên cứu để hạn chế phương tiện giao thông vào một số khu vực dễ gây ùn tắc, bằng biện pháp thu phí các phương tiện. Hiện chưa có quy định về loại phí này, trong dự thảo Nghị quyết mới nêu để HÐND thành phố thống nhất về mặt chủ trương, Sở GTVT sẽ tham mưu cho UBND thành phố xây dựng thành những đề án, chương trình cụ thể để xác định khu vực, tuyến đường nào cần thu phí, thu phí vào giờ nào, để điều tiết một phần lượng phương tiện không cần thiết đi qua khu vực này vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày.

 

Trước lo ngại lộ trình cấm xe máy hoàn toàn có thể bị phá sản khi thời gian qua hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị liên tục bị chậm tiến độ, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện bày tỏ quan điểm, các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội vẫn đang triển khai theo quy hoạch, một số tuyến có thể chậm hơn so với thời điểm đưa vào nhưng tổng thể đến năm 2030 về cơ bản vẫn đúng theo lộ trình.

 

Trả lời câu hỏi, nếu cấm xe máy, người dân sẽ đi lại bằng gì? ông Vũ Văn Viện cho biết, vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội hiện mới đáp ứng được 14 - 15% nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên, theo quy hoạch, đến năm 2030, loại hình này sẽ đáp ứng được 50-55%, đặc biệt tại khu vực nội thành, mạng lưới xe buýt sẽ bao phủ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, để tương ứng việc giảm phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, Hà Nội đang triển khai đồng bộ một số giải pháp, như tập trung xây dựng theo quy hoạch tám tuyến đường sắt đô thị; đầu tư các tuyến buýt nhanh BRT; xây dựng đề án mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng xe buýt, phát triển mạng lưới điểm đỗ, các điểm giao thông tĩnh để phục vụ kết nối giao thông cá nhân với phương tiện giao thông công cộng…

 

Liên quan vấn đề TP Hà Nội đề xuất thu hồi phương tiện quá niên hạn, hiện Chính phủ và Bộ GTVT chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy và quản lý khí thải xe máy. Nhưng thực tế hiện nay, số lượng xe máy trên địa bàn Hà Nội quá lớn (5,2 triệu xe máy), lượng xe máy không bảo đảm an toàn cũng chiếm con số không nhỏ. Vì vậy, TP Hà Nội chủ trương sẽ đi trước một bước, điều tra trên cơ sở thực trạng này, để có chính sách phù hợp, báo cáo Chính phủ và Bộ GTVT.

 

Theo đó, TP Hà Nội sẽ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng đề án cụ thể, có mục tiêu, chương trình, cũng như bước đi phù hợp để triển khai trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn số lượng, chất lượng phương tiện giao thông.


Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: