Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe ô tô
Giáo viên của Phân hiệu Trường Cao đẳng nghề Việt Bắc hướng dẫn học viên ôn luyện phần mềm mô phỏng trước khi sat hạch. |
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải áp dụng phần mềm mô phỏng, tỷ lệ học viên đạt khi sát hạch lái xe ô tô giảm khoảng 15-20% so với trước đây. Vì vậy, các cơ sở đào tạo đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo học viên.
Hiện nay, tại tỉnh có 9 cơ sở đào tạo và 5 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, với quy mô đào tạo, sát hạch khoảng 35 nghìn học viên/năm, đảm bảo nhu cầu học lái xe của người dân trên địa bàn và những tỉnh lân cận.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, trong năm 2020 và 2021, tỷ lệ học viên đạt sát hạch lái xe ô tô giảm so với những năm trước. Trong đó, năm 2020 đạt 62%, năm 2021 đạt khoảng 58%. Nguyên nhân là do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 nên việc học lý thuyết, thực hành của học viên bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đặc biệt, từ ngày 15-6, tất các các khóa sát hạch lái xe ô tô đều phải thực hiện thêm phần thi mô phỏng các tình huống trên máy tính thì tỷ lệ đạt của học viên tại các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức 47,5% (giảm khoảng 15% so với trước đó).
Ông Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông Thái Nguyên (Sở Giao thông Vận tải), cho biết: Việc đưa nội dung phần mềm mô phỏng trong sát hạch lái xe ô tô của Bộ Giao thông Vận tài là hoàn toàn hợp lý, sát với thực tế để đánh giá các kỹ năng xử lý tình huống của các học viên. Tuy nhiên, với 120 tình huống mô phỏng, chỉ có 4 tiết học theo quy định thì rất ngắn, không đủ thời gian để giáo viên hướng dẫn và học viên ôn luyện. Nếu để thành thục các thao tác, nhận định chính xác tình huống, phải dành ít nhất khoảng 12 tiết. Hiện nay, tuy thời gian dạy chính thức ít, nhưng Nhà trường luôn mở của phòng máy tính để các học viên đến ôn luyện…
Còn ông Phạm Thế Hà, Phó Trưởng Phân hiệu Trường Cao đẳng nghề Việt Bắc, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, cho hay: Hàng năm, đơn vị đào tạo khoảng 6.000 học viên lái xe ô tô. Những năm trước, tỷ lệ đạt trong sát hạch đối với các học viên trong Trường luôn ở mức trên 60%. Tuy nhiên, từ khi áp dụng thêm phần mô phỏng, tỷ lệ đạt giảm khoảng 6% so với trước. Số học viên không vượt qua sát hoạch chủ yếu ở phần mô phỏng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Nhà trường đã trang bị thêm hệ thống máy tính để học viên ôn luyện. Trước khi triển khai phần mềm này, Nhà trường đã cho giáo viên đi tập huấn, khi đạt tiêu chuẩn (đánh giá kết quả qua phần thi mô phỏng) mới được dạy. Đồng thời yêu cầu các giáo viên dạy lái xe ô tô phải dành nhiều thời gian hướng dẫn học viên.
Theo ông Hoàng Văn Tùng, giáo viên dạy lái xe của Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện nay, hầu hết các giáo viên được Nhà trường giao chỉ tiêu nhận học viên để đào tạo. Vì vậy, các giáo viên phải tự rèn luyện để nâng cao trình độ, cập nhập các phương pháp dạy hiệu quả, “xây dựng hình ảnh” của bản thân. Thầy nào dạy tốt, tỷ lệ học viên đạt cao khi sát hạch thì sẽ thu hút được nhiều học viên. Vì vậy, các thầy phải chuyên tâm đào tạo, dành nhiều thời gian hướng dẫn học viên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2019 trở lại đây, tất cả các trung tâm sát hạch lái xe ô tô đều phải lắp đặt camera giám sát, truyền dữ liệu trong quá trình sát hạch về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để đảm bảo tính minh bạch. Vì vậy, việc đào tạo tại các cơ sở cũng phải thực chất hơn.
Bên cạnh đó, từ ngày 15-6, tất cả các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đều phải trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Vì vậy, hiện nay, các cơ sở đào tạo đang triển khai lắp thiết bị camera trên xe tập lái. Đến thời điểm này đã có hơn 600/1.008 xe tập lái trên địa bàn tỉnh được lắp đặt thiết bị.
Những quy định mới của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo và sát hạch lái xe ô tô ngày càng chặt chẽ, nên học viên phải tập trung và học thực chất hơn. Điều này cũng sẽ giúp người học đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và người tham gia giao thông khi lái xe…