Theo dòng thời sự:
Ngăn chặn nạn sử dụng ma túy, chất kích thích khi lái xe
Những ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn, vấn đề quản lý, ngăn chặn tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích, ma túy khi lái xe gây tai nạn tiếp tục là chủ đề nóng. Đặc biệt, từ sau khi lực lượng chức năng ở T.P Hồ Chí Minh lập chốt chặn tại một cụm cảng để kiểm tra các tài xế xe container bằng cách thử nước tiểu phát hiện có không ít trường hợp dương tính với ma túy.
Vấn nạn tài xế xe đường dài, xe container… sử dụng ma túy có từ lâu nhưng giờ dư luận mới thực sự quan tâm, lo lắng nhất là từ sau vụ lái xe container sử dụng chất kích thích và ma túy gây tai nạn thảm khốc làm 4 người chết, gần 20 người bị thương tại Bến Lức (Long An) gần đây. Nếu tiến hành rà soát, kiểm tra tổng thể lái xe chuyên nghiệp, nhất là cánh lái xe đường dài sử dụng ma túy trong cả nước chắc chắn sẽ cho con số giật mình. Vậy, tại sao lại có tình trạng này? Doanh nghiệp vận tải và cơ quan chức năng có biết?
Theo đánh giá của giới chuyên môn, phần đông tài xế đường dài đều là lái thuê. Trong mỗi chuyến đi, tài xế được giao giữ tiền hàng, tiền lộ phí. Trong thời gian chờ bốc xếp hàng hóa, nhiều khi bị ùn tắc do đông, cánh lái xe đường dài lại rủ nhau đánh bài bạc giết thời gian. Và khi thua cuộc, tâm lý của người cầm lái sẽ rất ức chế. Vì thế, họ tìm đến ma túy để giải khuây. Lý do khác, sức ép tiến độ, thời gian giao hàng của chủ xe và chủ hàng khiến cánh tài xế phải cầm vô lăng nhiều giờ trong ngày. Để có sức chạy, cánh tài xế lại tìm đến ma túy hoặc chất kích thích. Với tài xế mới vào nghề, để chống buồn ngủ họ cũng tìm đến ma túy. Sử dụng nhiều thành quen và rồi nghiện, khi “đói” ma túy tài xế không làm chủ được hành vi nên gây tai nạn. Muốn có tiền mua ma túy thì chắc chắn phải chạy nhiều, từ đó cũng dẫn đến việc chạy nhanh, chạy ẩu...
Việc tài xế sử dụng ma túy, chất kich thích chắc chắn chủ doanh nghiệp vận tải biết, nhưng dường như họ làm ngơ vì chỉ nghĩ đơn giản là làm sao công việc vẫn trôi, lợi nhuận không sụt giảm. Cơ quan chức năng cũng không thể không biết, nhưng chưa thực sự quan tâm kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Nhiều người cho rằng, quy định pháp luật thì có nhưng tính răn đe còn chưa đủ mạnh. Chính phủ đã có Nghị định trong đó quy định hành vi điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng hoặc phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Trên báo mạng những ngày gần đây thấy xuất hiện đoạn clip chia sẻ cách quản lý tài xế nghiêm ngặt ở một số nước, trong đó có Mỹ. Theo đó, ở Mỹ nếu tài xế nào sử dụng chất kích thích hoặc ma túy thì sẽ bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Cánh tài xế chỉ được phép uống rượu, bia khi được nghỉ 34 tiếng trở lên. Kể cả khi xe đã dừng đỗ, nếu phát hiện thấy lái xe có chất kích thích hoặc dương tính với ma túy cũng bị xử phạt rất nặng, thậm chí chỉ cần phát hiện có chai rượu trên xe, tài xế cũng bị đưa về đồn để thẩm vấn. Doanh nghiệp nào có lái xe vi phạm thì doanh nghiệp đó sẽ bị hạ uy tín một bậc, nếu vi phạm càng nhiều thì uy tín càng thấp và điều đó sẽ dẫn tới con đường phá sản.
Do vậy, ngoài ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của lái xe, nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải, còn cần sự vào cuộc thực sự của lực lượng chức năng nhằm siết chặt hơn công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Hơn nữa, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn nạn tài xế sử dụng chất kích thích và ma túy khi lái xe.
Hiện nay, trên thị trường đang phổ biến rất nhiều lại ma túy tổng hợp gây ảo giác như ma túy đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ… cùng nhiều chất gây nghiện khác. Giới y khoa cho rằng, các loại ma túy này dễ gây ngộ độc, ảo giác, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, để lại nhiều biến chứng nặng nề về sức khỏe tâm thần. |