Người dân Phú Minh mong ước một cây cầu
Có mặt ở bến đò Phú Minh gần 3 tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng chúng tôi mới bắt gặp có chuyến đò tất cả hành khách đều mặc áo phao. |
Để rút ngắn quãng đường đi lại, nhiều người dân ở xóm Phú Minh, xã Đào Xá (Phú Bình), buộc phải chọn cách đi đò ngang qua sông Cầu để đi chợ, đi làm, đi học. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là vào những ngày mưa to, nước sông dâng cao. Vì thế, người dân nơi đây luôn ước mơ có một cây cầu nối 2 bờ sông để việc đi lại, phát triển kinh tế được thuận lợi hơn.
Bà Trương Thị Nhã, nhà ở xóm Rô, xã Thượng Đình (Phú Bình), năm 1970, bà lấy chồng ở xóm Phú Minh. Hơn 50 năm qua, bà Nhã thường đi lại trên bến đò ngang Phú Minh. Hai cháu nội của bà đang học tại Trường Tiểu học Thượng Đình và Trường THPT Gang Thép (TP.Thái Nguyên) cũng thường xuyên đi qua bến đò này để đến trường.
Bà Nhã cho biết: 3 thế hệ trong gia đình tôi đều đi qua bến đò, thời tiết bình thường thì không sao, hôm nào mưa lớn hoặc lũ về, tôi rất lo cho các cháu nhưng đành chấp nhận bởi nếu đi đường vòng qua lối cầu Mây, xã Xuân Phương thì quãng đường dài gần 20km, qua đò chỉ mất chưa đến 1km.
Không chỉ có gia đình bà Nhã mà hơn 1.000 người dân ở xóm Phú Minh và các xóm khác trên địa bàn xã cũng hay đi qua bến đò Phú Minh. Ông Dương Văn Nam, Trưởng xóm Phú Minh cho biết: Hiện, xóm có 175 hộ dân với 670 nhân khẩu. Mấy chục năm nay, bà con đa phần đều đi qua bến đò ngang này, trong đó có gần 200 học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học, THCS Thượng Đình, THPT Điềm Thụy và công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp (mỗi người đi trung bình từ 2-4 lượt/ngày). Trong khi, bến đò lại đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa do Sở Giao thông - Vận tải cấp năm 2014 thì phương tiện đò ngang qua bến đò Phú Minh có vật liệu vỏ thép, chiều dài 10,55m, chiều rộng 2,25m, kiểu kéo tay, số lượng người được phép chở là 8 người.
Tuy nhiên, khi có mặt tại bến đò, chúng tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh khác nhau trên mỗi chuyến đò, có chuyến chỉ có 1-2 người nhưng cũng có chuyến chở 9-10 người cộng với hàng hóa, xe đạp, xe máy. Có chuyến, hành khách mặc áo phao nhưng cũng có chuyến không mặc. Đường đi xuống 2 bên bến đò có độ dốc cao, chỉ được đổ bê tông rộng chừng hơn 1m...
Bà Nguyễn Thị Tám, một hành khách qua đò, cho hay: Tôi ở xã Đào Xá nên thỉnh thoảng cũng đi qua bến đò này. Có hôm khách và phương tiện, hàng hóa chật kín đò, nhiều khách còn ngồi trên xe máy, cũng chẳng có ai mặc áo phao cả. Đò vừa đi vừa tròng trành, tôi không dám mở mắt ra nhìn xung quanh, chỉ đến khi đò cập bến mới ngoảnh lại nhìn. Tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng 1 cây cầu để chúng tôi đi lại đỡ nguy hiểm.
Anh Nguyễn Văn Sắc, làm nghề lái đò ở đây được hơn 15 năm nay, nói: Hằng ngày từ 6 giờ đến 7 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 18 giờ là những giờ cao điểm, khách đi đò đông. Người dân trong xóm đóng phí đi đò theo năm, mỗi năm tôi thu được khoảng 70-80 triệu đồng và đóng thuế cho xóm. Số tiền thu được giúp gia đình có đồng ra đồng vào, nhưng rất vất vả. Mấy lần tôi định chuyển nghề, nhưng trong xóm, ngoài tôi ra không ai có chứng chỉ chuyên môn, thêm nữa bà con cũng động viên nên tôi đành phải làm tiếp.
Ông Dương Văn Nam, Trưởng xóm Phú Minh cho biết thêm: Trước mong mỏi của người dân, xóm đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền, sau đó cũng có đoàn về khảo sát, thăm dò địa chất nhưng mãi không thấy triển khai nội dung gì. Bà con trong xóm rất mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây cầu để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân, giao thương thuận lợi hơn.