Nhiều người "quên" đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
Hai thanh niên lưu thông trên tuyến đường tỉnh 268, đoạn qua xã Phú Tiến (Định Hóa) không những phóng nhanh mà còn không đội MBH. |
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 26-9-2007 của Chính phủ quy định từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết s, một số người dân, nhất là ở vùng nông thôn trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn "quên" đội MBH hoặc đội để đối phó với lực lượng chức năng.
Có mặt trên tuyến đường Chợ Chu - Tân Dương, đoạn qua xã Phượng Tiến, trong khoảng một giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận được hàng trăm lượt xe máy, xe đạp điện đi qua. Trong số đó, vẫn còn nhiều người dân không đội MHB khi tham gia lưu thông trên đường này. Không chỉ ở tuyến đường liên xã, liên xóm mà ngay cả các tuyến đường tỉnh 268, 264 vẫn còn không ít người không đội MBH khi lái xe. Quan sát khoảng nửa giờ đồng hồ trên tuyến đường tỉnh 268, đoạn qua xã Phú Tiến, chúng tôi ghi nhận được hơn mười trường hợp không đội MBH khi tham gia giao thông.
Đối tượng không đội MBH chủ yếu tập trung vào lứa tuổi thanh, thiếu niên, người dân ở vùng nông thôn. Lý do người dân đưa ra khi không đội MBH thường là: đi quãng đường ngắn (đi chợ, đi quanh trong xóm, đến trường đón con, đi làm đồng) thì không cần thiết, lại vướng víu. Anh Nguyễn Hoàng Tấn, ở xóm Nạ Què, xã Phượng Tiến cho hay: Mỗi lần đi ra thị trấn hoặc đi xa hơn, tôi vẫn đội MBH, nhưng khi di chuyển ở trong xóm hay đi đến nhà anh em ở xóm khác trong xã thì tôi lại ít khi đội. Tôi nghĩ đi xe trên đường ở xóm hoặc ra đồng làm việc thì quãng đường không xa, ít xe cộ, ít xảy ra va quệt. Suy nghĩ trên đây của anh Tấn cũng là suy nghĩ của nhiều người dân khác không đội MBH khi tham gia giao thông.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an huyện Định Hóa đã thực hiện được 193 ca tuần tra, kiểm soát giao thông. Qua đó, Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính 1.282 trường hợp, trong đó có tới 479 trường hợp không đội MBH. Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn huyện Định Hóa khiến người điều khiển và ngồi trên xe bị chấn thương sọ não hoặc tử vong do không đội MBH chiếm đến 17% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông.
Trung tá La Chấn Đẩu, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Định Hóa cho biết: Từ khi thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, người dân đã có ý thức trong việc đội mũ để đảm bảo sự an toàn của mình và người thân. Tuy nhiên, ở các xã vùng sâu, vùng xa, tình trạng người dân không đội MBH khi tham gia giao thông vẫn còn, chủ yếu là thanh, thiếu niên. Một số người có đội mũ nhưng chỉ nhằm đối phó với lực lượng chức năng chứ chưa phải để bảo vệ tính mạng của bản thân. Thể hiện rõ nhất điều này là nhiều người đội MBH không đúng theo quy chuẩn, không đảm bảo chất lượng. Thêm nữa, khi lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, đối tượng không đội MBN thường dùng điện thoại di động thông báo cho nhau để tìm cách đối phó.
Được biết, những năm qua, công tác tuyên truyền pháp luật về Luật Giao thông đường bộ luôn được các cấp, các ngành của huyện Định Hóa quan tâm. Theo đó, hằng năm, Đội CSGT huyện phối hợp với MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Huyện Đoàn, ngành Giáo dục và chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, đến toàn thể người dân. Các hình thức tuyên truyền cũng khá phong phú như: sân khấu hóa, lồng ghép trong các hội nghị, các buổi sinh hoạt ở chi hội, đoàn thể; trình chiếu hình ảnh về tai nạn giao thông... Vào đầu mỗi năm học, Đội CSGT Công an huyện cũng thường có mặt ở các cổng trường học để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành quy định đội MBH. Hằng tuần, Đội đều xây dựng kế hoạch kiểm tra trên các tuyến đường có học sinh tham gia giao thông.
Cũng theo Trung tá La Chấn Đẩu, đối tượng không đội MBH khi tham gia giao thông không phải là chưa được tuyên truyền, hay chưa nắm được các quy định của pháp luật mà họ cố tình không đội. Trước thực trạng này, ngoài tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng chủ quan và đối phó của người tham gia giao thông. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hỗ trợ cho lực lượng Công an xã (nhất là về kinh phí) để lực lượng này tích cực hơn trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường nông thôn. Khi đó, các đối tượng không đội MBH sẽ được nhắc nhở và bị xử lý vi phạm ngay từ khi xuất phát, góp phần hạn chế tai nạn giao thông cũng như hậu quả của tai nạn giao thông trên các tuyến đường.