Nhọc nhằn đường đến xóm Nác
Phải mất cả giờ đồng hồ để đi từ trung tâm xã Liên Minh đến xóm Nác trên tuyến đường ĐT269D qua gập ghềnh sỏi đá, lầy thụt và dốc cao “tức ngực”. |
Con đường qua xóm Nác nằm trên tuyến ĐT269D là tuyến đường trục đến xóm cuối cùng của xã Liên Minh (Võ Nhai) chưa được kiên cố hóa. Từ nhiều năm nay, người dân ở đây vẫn luôn mong mỏi sớm có một con đường kiên cố giúp việc đi lại được dễ dàng.
Tuyến đường ĐT269D vào xóm Nác có tổng chiều dài khoảng 12,4km trong đó có khoảng gần 10km chạy qua địa bàn xóm. Đây cũng là đoạn đường khó đi nhất tuyến, hết gập ghềnh sỏi đá lại đến những đoạn lầy thụt rồi dốc cao đến “tức ngực”. Do vậy, dù chỉ cách UBND xã Liên Minh chừng 8km nhưng để đến được trung tâm xóm Nác phải mất gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy, thậm chí gấp đôi thời gian vào những ngày mưa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bí thư Chi bộ xóm Nác - Triệu Văn Lưu trăn trở: Giao thông khó khăn đang là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của các hộ dân trong xóm. Toàn xóm hiện có 191 hộ thì còn tới 92 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm hơn 48%).
Với địa hình trải rộng trên diện tích tự nhiên lên đến hơn 2.000 ha, xóm Nác được chia làm nhiều chòm khác nhau: Trung tâm, Suối Trám, Đá Mài… Không có đường kiên cố, để đi lại giữa các chòm trong xóm, người dân ở đây cũng mất cả giờ đồng hồ. Giao thông khó khăn cũng cản trở việc học tập của con em trong xóm. Chị Triệu Thị Viện ở chòm Suối Trám phàn nàn: Nhà tôi có hai con nhỏ học lớp 2 và lớp 4. Mỗi ngày, tôi phải dành từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ đưa, đón con đi học tại điểm trường Nác, nơi chỉ cách nhà chừng 4km bởi quãng đường quá lầy lội. Ngay cả những ngày nắng, tuyến đường trục qua xóm cũng vẫn không hết khó khăn do mặt đường yếu trong khi xe tải chở gỗ đi lại thường xuyên.
Được biết, xóm Nác là xóm có thế mạnh bậc nhất của xã Liên Minh về phát triển rừng sản xuất. Toàn xóm có tới trên 1,500 ha trồng cây keo, trong đó có nhiều hộ dân phát triển được tới 20 ha rừng keo đem về doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm như các hộ ông: Phan Sinh Ngọc, Triệu Long Thọ, Triệu Hữu Lý, Nông Văn An… Tuy nhiên, do giao thông khó khăn, sản phẩm gỗ khai thác tại xóm Nác thường bán giá thấp hơn khoảng 20% so với các khu vực lân cận như xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), xã Xuân Lương (Yên Thế, Bắc Giang)… Ông Nông Văn An chia sẻ: Người trồng rừng ở Nác thiệt thòi hơn so với những nơi khác. Thời điểm hiện tại, giá gỗ keo chúng tôi khai thác tại xóm Nác chỉ bán được dưới 700 nghìn đồng/m3 nhưng tại địa phương lân cận bán giá bán lên đến 850 nghìn đồng/m3.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thượng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Đường đến xóm Nác là trục đến xóm duy nhất của xã L:iên Minh vẫn là đường đất, chưa được kiên cố hóa. Trong khi đó, tuyến đường ĐT269D chạy qua xóm Nác được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong lưu thông hàng hóa của các xã phía Nam huyện Võ Nhai tới các địa bàn lân cận như: huyện Phú Bình, Đồng Hỷ và huyện Yên Thế (Bắc Giang). Việc nâng cấp, kiên cố hóa tuyến đường này rất quan trọng giúp người dân xã Liên Minh và các xã phía Nam của huyện được mở rộng giao thương hàng hóa và đặc biệt là giúp cho 191 hộ dân xóm Nác phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Do vậy, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất xin hỗ trợ xây dựng tuyến đường. Bà con nhân dân xóm Nác và xã Liên Minh đều rất mong mỏi sớm được các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư kiên cố hóa tuyến đường này.