Sớm sửa chữa những đoạn xuống cấp trên tuyến ĐT 266
Vào giờ cao điểm, việc tham gia giao thông trên tuyến ĐT.266 gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh: Đoạn đường đi qua xóm Trung 2 ngày càng xuống cấp nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân khiến ngày nào cũng xảy ra ùn tắc tại đây (Ảnh chụp lúc 7 giờ 20 phút ngày 4-5-2018). |
Khoảng 5 năm về trước, tuyến ĐT 266 (nối từ ngã tư Điềm Thụy, huyện Phú Bình đến Quốc lộ 3 cũ đến ngã tư Khu công nghiệp Sông Công) có khá ít người qua lại. Nhưng nay, mật độ người và phương tiện lưu thông qua đây gia tăng đột biến, nên con đường đang bị quá tải và ngày càng bị xuống cấp trầm trọng. Điều này gây mất an toàn giao thông và việc lưu thông qua đây mất rất nhiều thời gian, nhất là vào giờ cao điểm.
Có mặt tại tuyến đường từ lúc 7 giờ kém đến hơn 8 giờ ngày 3-5, chúng tôi được chứng kiến cảnh người, xe chen chúc nhau đi trên con đường. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, trung bình mỗi ngày, có khoảng 850 lượt xe khách 45 chỗ đưa đón công nhân, gần 1.700 lượt xe tải và trên 2.100 lượt xe con cùng hàng nghìn lượt mô tô, xe máy đi lại trên tuyến đường này. Không chỉ chật hẹp, nhiều đoạn đường ở đây còn bị xuống cấp nghiêm trọng nhất là đoạn từ xóm Trung 2, xã Điềm Thụy (Phú Bình) đến đoạn thuộc xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên), càng khiến việc tham gia giao thông ở đây trở nên chật vật. Theo người dân nơi đây, ngày nào trên tuyến đường này cũng xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm và không ngày nào là không có người bị ngã hoặc va chạm xe.
Bà Đỗ Thị Hòa, kinh doanh nước giải khát và một số dịch vụ khác tại xóm Trung 2, xã Điềm Thụy chia sẻ: Đường chỉ đủ rộng để 2 xe ô tô to tránh nhau nên vào giờ cao điểm việc ùn tắc trên tuyến đường này diễn ra khá thường xuyên và chuyện va chạm giao thông ở đây là chuyện dễ hiểu. Cùng với đó, do không có rãnh thoát nước dọc nên nước thải của các hộ kinh doanh dọc hai bên đường hầu hết đều xả trực tiếp ra mặt đường khiến việc tham gia giao thông của các phương tiện càng trở nên khó khăn và càng khiến tuyến đường nhanh xuống cấp.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thúy, hàng xóm của bà Hòa thì không chỉ lúc đường đông, mà ngay cả khi đường vắng thì tai nạn giao thông cũng vẫn xảy ra, bởi chỉ cần không quan sát hoặc tay lái yếu thì khi đi qua những “ổ trâu, ổ voi” là người điều khiển cũng rất dễ dàng bị ngã hoặc va chạm với xe khác. Có ba thời điểm mà ngày nào cũng xảy ra ùn tắc, đó là: Từ khoảng 6 giờ 45 phút đến 7 giờ 30 phút (lúc công nhân đi làm, học sinh đi học); chiều từ 17 giờ đến 17 giờ 45 phút (lúc công nhân tan ca, học sinh tan học) và từ 20 giờ đến 20 giờ 30 phút - thời điểm công nhân TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) tăng ca.
Là người thường xuyên di chuyển trên con đường này vào giờ cao điểm, anh Dương Đình Trường, xóm Hòa Thịnh, xã Thượng Đình, công nhân Công ty SEVT cho biết: Tôi thường lên xe của Công ty tại Ngã tư Điềm Thụy lúc 6 giờ 45 phút và sau 1 giờ mới đến được nơi làm. Sở dĩ lâu như vậy là vì chỉ riêng đi qua địa phận xóm Trung 2 với độ dài khoảng 500m cũng đã tốn khoảng 30 phút, do đây là đoạn đường xấu nhất trong cả tuyến nên thường xuyên bị tắc.
Sở dĩ đoạn đường này có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông là vì đây gần như là tuyến đường duy nhất của người dân trên địa bàn huyện Phú Bình và một số xã, phường của T.P Thái Nguyên sử dụng khi muốn đến các khu công nghiệp (KCN): Điềm Thụy, Sông Công và Yên Bình. Song song với tuyến đường này còn có tuyến ĐT.261 nhưng do còn một nửa đoạn đường vẫn là đường đất, rất khó đi “nắng thì bụi, mưa thì lầy” nên dù tuyến ĐT 266 có quá tải và xuống cấp thì theo nhiều người, ĐT 266 vẫn là sự lựa chọn tốt hơn ĐT 261.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những yếu tố kể trên thì một trong những nguyên nhân “góp phần” tạo ra ùn tắc ở đây còn phải kể đến các tấm biển quảng cáo của nhiều hộ kinh doanh đặt ngay sát mép đường. Ngày càng nhiều đoạn đường bị bong tróc, lồi lõm, tạo thành những hủng, hố sâu là do nguồn nước thải sinh hoạt, bán hàng của người dân dọc bên đường được xả thẳng ra mặt đường, do không có rãnh thoát nước dọc. Cũng vì thế, việc tham gia giao thông của người dân càng trở nên khó khăn hơn.
Trước thực trạng này, chính quyền và cử tri huyện Phú Bình cũng như T.X Phổ Yên đã nhiều lần kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư mở rộng tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trên cơ sở này, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất với tỉnh phương án cải tạo nâng cấp tuyến ĐT 261 đoạn đường đất theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi để phân luồng một số phương tiện giao thông trên tuyến ĐT 266. Đầu tư xây dựng tuyến ĐT.266 trên cơ sở nền, mặt đường hiện tại, tổng mức đầu tư dự kiến trên 560 tỷ đồng, với hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Và đây cũng là một trong những dự án mà Sở Giao thông Vận tải đề xuất với tỉnh đưa vào danh mục mời gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2018.
Việc đầu tư mở rộng tuyến ĐT 266 được xem là một trong những nhu cầu bức thiết hiện nay. Song, để dự án có thể được triển khai rất cần có thêm thời gian. Chính vì vậy, để khắc phục phần nào những khó khăn trước mắt cho người dân thì việc sửa chữa những đoạn đường xuống cấp cần sớm được cơ quan chức năng triển khai. Cùng với đó là chấn chỉnh các hành vi lấn chiếm lề đường để đặt biển quảng cáo cũng như làm nơi bán hàng; cấm một số loại phương tiện vận tải, như xe tải vào những giờ cao điểm…